“Kiêng nhựa” - “detox” Trái đất khỏi rác nhựa dùng một lần
Dù nhỏ nhất những mỗi hành động của bạn đều sẽ mang lại kết quả trực tiếp giúp Trái đất “detox” khỏi cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Đó chính là thông điệp mà Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) muốn truyền tải.
Du lịch có trách nhiệm
Kể từ sau đại dịch COVID-19, ngành Du lịch Việt Nam đã ghi nhận sự hồi phục đáng khích lệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Không chỉ vậy, du lịch phát triển đã mang lại sự thay đổi các nguồn lực sinh kế tại địa phương, giúp cải thiện và nâng cao đời sống của người dân.
Tuy nhiên, hoạt động của du khách đã và đang góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường. Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, ứớc tính, trung bình một ngày mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi nilon; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa và các vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng một lần khác.
“Kiêng nhựa” - “detox” Trái đất khỏi rác nhựa dùng một lần |
Bắt đầu từ năm 2020, WWF đã phối hợp cùng Cục biển và Hải đảo triển khai dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng xã hội về mối liên quan giữa việc xả chất thải nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường và sức khỏe. Qua hơn 3 năm triển khai, Dự án đã phối hợp với các thành phố và điểm đến du lịch triển khai nhiều mô hình và giải pháp giảm chất thải nhựa và bảo vệ hệ sinh thái tại địa phương.
Trong mục tiêu đó, dự án đang triển khai một chương trình truyền thông thay đổi hành vi với mục tiêu thúc đẩy không chỉ du khách, mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cùng chung tay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và sinh kế bền vững tại địa phương.
Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF là một trong những tổ chức bảo tồn độc lập lớn và uy tín nhất thế giới, với hơn 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu hoạt động tại hơn 100 quốc gia. Sứ mệnh của WWF là ngăn chặn sự suy thoái của môi trường tự nhiên Trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hài hòa với thiên nhiên, thông qua bảo tồn đa dạng sinh học thế giới, đảm bảo sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo, và tuyên truyền giảm ô nhiễm và tiêu dùng lãng phí. Tại Việt Nam, WWF bắt đầu thực hiện chiến lược bảo tồn ở cấp quốc gia từ năm 1985, từ đó phối hợp chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để tiến hành các hoạt động khác nhau liên quan đến lĩnh vực môi trường trên khắp cả nước. |
“Kiêng” nhựa dùng một lần, sửa soạn hành lý “xanh”
Website “Kiêng nhựa” là một điểm nhấn trong chương trình truyền thông thay đổi hành vi mà dự án triển khai trong năm 2023. Lần đầu tiên được giới thiệu trong dự án, đây là công cụ giúp du khách đo lường mức độ ảnh hưởng đến môi trường của từng món đồ nhựa dùng một lần như: chai nhựa, túi nilon, hộp nhựa, hộp xốp, ly nhựa, đồ chăm sóc vệ sinh... Từ đó, du khách có thể lựa chọn tiếp tục sử dụng nhựa dùng một lần hoặc “kiêng” sử dụng và lựa chọn các sản phẩm thân thiện môi trường hơn.
Bằng cách đó, du khách có thể tự đánh giá mức đóng góp trực tiếp của mình vào việc bảo vệ môi trường, sửa soạn hành lý “xanh hơn” và điều chỉnh hành vi dùng đồ nhựa có trách nhiệm hơn trong mỗi chuyến du lịch.
“Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.
Đây là một mục tiêu tham vọng nhưng với sự quyết tâm của người dân, du khách cũng như các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tại mỗi điểm đến du lịch, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được điều này.
Thông qua các thông điệp và hướng dẫn điều chỉnh hành vi tại trang website “Kiêng nhựa”, chúng tôi hy vọng du khách sẽ thấy được mỗi hành động tích cực của họ, dù là nhỏ nhất, sớm hay muộn, cũng có thể mang lại những tác động môi trường tích cực”, ông Tạ Anh Tuấn, Quản lý Hợp phần Truyền thông và Giáo dục, Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, cho biết.
Trong chương trình này, dự án cũng phối hợp với chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương tại hai điểm đến nổi tiếng là Phú Quốc và Côn Đảo. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền trên báo chí và mạng xã hội, dự án cũng phối hợp với chính quyền và cơ quan, đoàn thể tổ chức các buổi tập huấn về giảm thiểu chất thải nhựa cho cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng và ban hành các quy định giảm thiểu, tiến tới cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần và đốt vàng mã lãng phí tại các điểm di tích lịch sử; xây dựng và phát sổ tay hướng dẫn giảm thiểu chất thải nhựa cho hướng dẫn viên du lịch; đặt các bảng, biển thông tin tuyên truyền tại sân bay, ga tàu cũng như vận động và hướng dẫn thực hành giảm nhựa dùng một lần tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được phê duyệt theo Quyết định số 1426/QĐ-BTNMT ngày 2/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp cùng WWF triển khai thực hiện. Dự án có 4 hợp phần chính gồm: Truyền thông; giáo dục, hỗ trợ chính sách, đô thị giảm nhựa và khu bảo tồn biển. Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam. Với mục tiêu đó, dự án đã triển khai chiến dịch truyền thông “Kiêng nhựa - “detox” Trái đất khỏi rác nhựa dùng một lần” nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi của khách du lịch, tiến tới chủ động loại bỏ nhựa dùng một lần trước hành trình và hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa không cần thiết tại các điểm đến du lịch. Website “Kiêng nhựa” là một hoạt động nổi bật của chương trình truyền thông trong năm 2023. Thông qua công cụ này, du khách có thể đo lường mức độ tác động môi trường của từng món đồ nhựa dùng một lần, qua đó để thấy được sự đóng góp của mình vào cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa. Với thông tin cụ thể và giao diện dễ sử dụng, đây hứa hẹn sẽ là một công cụ trợ giúp du khách nhận thức về tác động môi trường của các vật dụng nhựa dùng một lần tốt hơn, từ đó xây dựng thói quen từ chối sử dụng nhựa dùng một lần, lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Tìm hiểu về website “Kiêng nhựa” tại đây. |