Xem xét miễn, giảm phí, lệ phí cho hoạt động vận tải, doanh nghiệp xe khách có thoát cảnh "cơ hàn"?
Ngay khi có yêu cầu rà soát các phương án miễn, giảm một số loại phí, lệ phí, các khoản thu đối với hoạt động vận tải, không ít doanh nghiệp vận tải vui mừng bởi đây là "phao cứu sinh" trong bối cảnh "cơ hàn", thậm chí là "chết hụt" do giá nhiên liệu tăng cao.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao liên tục, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp vận tải, yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về việc rà soát, báo cáo các phương án giảm phí, một số lệ phí, khoản thu đối với hoạt động vận tải được coi là "phao cứu sinh" đối với không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải.
Bởi lẽ, thời gian qua, cũng vì giá nhiên liệu tăng cao, cộng thêm khoảng thời gian hơn 2 năm dịch COVID-19, không ít doanh nghiệp vận tải đã chịu cảnh "cơ hàn", thậm chí là lâm cảnh "chết hụt" và phải cầm cự qua ngày.
Hãng xe Sao Việt (tuyến Hà Nội – Lào Cai) của ông Đỗ Văn Bằng là một trong số các hãng xe đang chịu ảnh "cơ hàn" do ảnh hưởng của đại dịch và giá nhiên liệu.
Do đó, ông Bằng cho rằng, người đứng đầu ngành giao thông vận tải đưa ra chính kiến việc rà soát, xem xét kéo dài một số cơ chế, chính sách miễn giảm phí, lệ phí để các doanh nghiệp vận tải cùng nhau sẻ chia rủi ro là hết sức cần thiết.
Bởi xăng dầu chiếm đến khoảng 60% chi phí vận tải nên việc tăng giá xăng dầu đã gây áp lực rất lớn đến các doanh nghiệp vận tải.
Ông Bằng cho biết: "Giá xăng dầu thế giới biến động là điều không một ai lường trước được. Trong khi đó, giá nhiên liệu chi phối hơn 50% chi phí vận tải nên lúc này, ngành vận tải cơ hàn nhất. Để khắc phục khó khăn trước mắt, doanh nghiệp vận tải chỉ có thể giảm, dồn tuyến/chuyến để tiết kiệm chi phí tối đa nhất. Còn nếu muốn thoát lỗ, chỉ còn cách đóng cửa nhà xe", chủ hãng xe Sao Việt thở dài.
Theo ông Bằng, trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, nên tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường cho đến khi khi doanh nghiệp "khỏe".
Cùng quan điểm trên, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (hãng xe Anh Huy Đất Cảng) cho rằng, giá nhiên liệu tăng đã giáng một đòn mạnh vào doanh nghiệp vận tải khi đang loay hoay phục hồi sau dịch COVID-19.
Ông Hải cho rằng: "Rất nhiều doanh nghiệp vận tải đang lâm cảnh "cơ hàn", loay hoay với bài toán giữ khách và điều chỉnh giá cước. Cộng thêm các loại hình xe ghép đang bắt đầu gia tăng thì việc điều chỉnh giá cước, chắc chắn doanh nghiệp vận tải sẽ có nguy cơ mất khách. Song, nếu không điều chỉnh, chắc chắn doanh nghiệp vận tải sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ".
Do đó, theo ông Hải, việc giảm các phí, lệ phí, các khoản thu đối với hoạt động vận tải trong bối cảnh giá nhiên liệu không có tín hiệu giảm là hết sức cần thiết.
Giải pháp này không những hỗ trợ doanh nghiệp vận tải thoát cảnh "cơ hàn" trong bối cảnh loay hoay phục hồi sau dịch COVID-19, mà còn giúp người dân giảm chi. Đơn cử như việc giảm thuế bảo vệ môi trường.
Song bên cạnh việc giảm phí, lệ phí và các khoản thu, cơ quan chức năng cũng cần siết chặt với các xe ô tô không đăng ký kinh doanh vận tải, không phù hiệu, không biền nền vàng mà vẫn ngang nhiên gom, đón trả khách liên tỉnh đang diễn ra hiện nay.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ yêu cầu rà soát lại các loại phí, lệ phí, các khoản thu để chia sẻ rủi ro, gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, biến động của giá xăng dầu thời gian qua đã tác động lớn đến hoạt động vận tải bởi xăng dầu chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu giá thành.
Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động. Đặc biệt, giá vé các phương tiện công cộng trong xu hướng tăng cũng ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân, người thu nhập thấp.