A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam là một trong những thị trường an toàn nhất để đầu tư

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên khắp thế giới đang leo thang, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam nổi lên như một trong những thị trường an toàn nhất Đông Nam Á với các nhà đầu tư.

Việt Nam là một trong những thị trường an toàn nhất để đầu tư ảnh 1

Việt Nam cần có chọn lọc thu hút các nguồn FDI chất lượng cao

“Ngôi sao” về khả năng hồi phục và tăng trưởng kinh tế.

Kênh truyền hình CNBC (Mỹ) gần đây đã phỏng vấn các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan Asset Management về các thị trường nào tại khu vực Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ, cả 2 ngân hàng này đều chọn Việt Nam, Indonesia và Singapore. Nhờ quá trình công nghiệp hóa tốc độ cao và tầng lớp trung lưu tăng nhanh, Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và từng bước trở thành điểm đến được quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy khoảng 15,8 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đổ vào Việt Nam trong năm 2020, giảm nhẹ so với 16,1 tỉ USD của năm 2019. Con số chính thức cho năm 2021 dự kiến duy trì ở mức này do sức hấp dẫn của lao động giá rẻ, lực lượng lao động trẻ và có trình độ của Việt Nam, đồng tiền ổn định và các ưu đãi cho doanh nghiệp.

Đầu tư nước ngoài gia tăng trong những năm gần đây đã tạo ra việc làm và tầng lớp trung lưu đông đảo cũng như “nuôi dưỡng” nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương trở thành nhà cung cấp cho các nhà sản xuất lớn. Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu - những người kiếm được 700 USD/tháng - đang thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tầng lớp trung lưu trẻ tuổi với hiểu biết về kỹ thuật số, do vậy thương mại điện tử và các lĩnh vực phân phối cũng như logistics dự kiến được hưởng lợi. Dịch vụ tài chính, bất động sản nhà ở, công nghệ kỹ thuật số và các sản phẩm “xanh” là những cơ hội đầu tư tiềm năng.

Cũng nhờ nguồn FDI không sụt giảm, Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng tích cực. Trong báo cáo “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” tháng 3-2022, WB đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà phục hồi, trong đó sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% trong cùng thời gian, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây tác động đến nguồn cung lao động, sản xuất và tiêu dùng.

Việt Nam cũng đã ký được nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, giúp Việt Nam nâng cao vị thế như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu. Nhờ thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, Việt Nam đã mở cửa trở lại nền kinh tế từ nửa sau năm 2021. Trong thị trường nội địa, tuy giá năng lượng tăng nhưng lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định trong khi nhu cầu trong nước còn yếu. Thặng dư ngân sách là 1,1 tỉ USD trong tháng 2 nhờ kết quả thu ngân sách tốt trong khi chi ngân sách tăng nhờ cải thiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Những chuyển biến tích cực đó đã giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng trưởng dương trong cả 2 năm 2020 và 2021. Một trong những động lực kinh tế quan trọng là công nghiệp hóa với sự hỗ trợ của các nguồn FDI. Hiện nay, với quy mô nền kinh tế khoảng 400 tỷ USD, Việt Nam đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt gần 670 tỉ USD vào năm 2021, tăng 22,6% so với năm 2020 và gần 29% so với năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Theo dự báo của Dragon Capital, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm 2022 và 7,5% vào năm 2025.

Nhìn nhận về thành tựu của Việt Nam, ông Desmond Loh, Giám đốc danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management, đánh giá Việt Nam là “ngôi sao trong những năm vừa qua” về khả năng hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Ông Desmond Loh nhấn mạnh Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới có tốc độ tăng trưởng tích cực trong suốt giai đoạn đại dịch Covid-19.

Cần cơ chế thu hút nguồn FDI chất lượng, có chọn lọc

Trong tương lai, FDI sẽ tiếp tục là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt.

Điểm thuận lợi với Việt Nam là các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách tận dụng tối đa các cơ hội khai thác được từ các hiệp định thế hệ mới như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà 10 nước thành viên ASEAN đã ký với 6 nước gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, cũng như chiến dịch đầu tư dài hạn. Vì vậy, cơ hội đón vốn đầu tư FDI của Việt Nam sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, để đón được cơ hội này, Việt Nam phải tạo được niềm tin của nhà đầu tư về cách thức quản lý trong điều kiện bình thường mới cũng như việc thực thi cam kết hội nhập. Muốn vậy, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Trước hết cần rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới. Đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Việt Nam cũng cần đẩy nhanh quá trình đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, củng cố niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính…

Trước đây, Việt Nam thừa lao động nên thu hút FDI để có việc làm, có vốn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, chúng ta không thừa lao động, vốn không quá thiếu, đất đai phát triển công nghiệp ngày càng hẹp hơn, các vấn đề ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng nổi lên. Vì vậy, Việt Nam phải có tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI kỹ càng để doanh nghiệp FDI đến Việt Nam làm ăn kinh doanh thay đổi theo, sử dụng ít tài nguyên đất đai, ít năng lượng hơn nhưng hiệu quả đầu tư cao hơn. Việt Nam không thể là quốc gia lạc hậu để các nhà đầu tư FDI đến xả rác mãi được.

Thêm vào đó, các dự án đầu tư FDI hiện nay chủ yếu là dự án đầu tư quy mô nhỏ. Tính đến hết tháng 12-2021, cả nước có 52 dự án đầu tư FDI có vốn đầu tư trên 1 tỉ USD, 31 dự án FDI có vốn đầu tư 0,5 - 1 tỉ USD, 517 dự án FDI có vốn đầu tư 100 - 500 triệu USD, 654 dự án FDI có vốn đầu tư 50 - 100 triệu USD. Còn lại hàng chục nghìn dự án FDI hiện nay có vốn đầu tư dưới 50 triệu USD, chiếm 96,4% tổng số dự án FDI và 28,94% tổng vốn đầu tư. Tỉ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam cũng rất thấp, chỉ đạt từ 20 - 25%. Đây cũng là những vấn đề mà Việt Nam phải sớm giải quyết để tăng chất lượng đầu tư.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...