A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trái phiếu doanh nghiệp: “Miếng bánh” ngon, nhưng có thực sự dễ “xơi”?

Trái phiếu là kênh huy động vốn của doanh nghiệp và cũng là nguồn gửi tiền với lãi suất cao cho các nhà đầu tư song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ồ ạt vay nợ từ trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã có bước phát triển nhanh để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Về phía nhà đầu tư, việc bỏ tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng giúp họ có khoản thu lớn nhờ hưởng lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.

Mặc dù vậy, tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu cũng đã phát sinh những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường, cần được quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý.

Thời gian qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã có nhiều bài viết mang tính cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó đã thông tin việc có nhiều doanh nghiệp bất động sản đã liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp với số tiền lên tới hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng gồm: Nam Long Group, Khải Hoàn Land, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt...

Trái phiếu doanh nghiệp: “Miếng bánh” ngon, nhưng có thực sự dễ “xơi”?

Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) thời gian qua liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp

Mặt khác, từ nhiều năm nay, Bộ Tài chính cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả đối với nhiều đơn vị.

Mới đây nhất, ngày 3/4/2022, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán nêu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thực tế, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý không cấp phép phát hành.

Trong khi đó, doanh nghiệp phát hành phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ, trung thực cho nhà đầu tư, công bố thông tin cho sở giao dịch chứng khoán đồng thời có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.

Các văn bản pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin minh bạch và tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật.

Trái phiếu doanh nghiệp: “Miếng bánh” ngon, nhưng có thực sự dễ “xơi”?

Đầu tư trái phiếu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mặc dù đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao, song rủi ro đi kèm cũng cao không kém nêu như nhà đầu tư không biết chọn đúng nơi xuống tiền.

Theo khuyên cáo của Bộ Tài chính, đối với các nhà đầu tư cần phải hiểu biết mình là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Trong trường hợp mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư là không có căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không có quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành.

Nhà đầu tư cũng cần đặc biệt lưu ý, quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo đó, mọi hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.

Ở chiều ngược lại, đối với các doanh nghiệp huy động trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn, lãi suất cao vượt quá năng lực tài chính của doanh nghiệp là rất rủi ro khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết trái phiếu.

Các doanh nghiệp phát hành cần lưu ý việc vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích đã công bố ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư, đảm bảo tư vấn để doanh nghiệp phát hành tuân thủ quy định của pháp luật; Xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu.

Việc tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương với) chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc dùng các hình thức lách quy định của pháp luật cũng sẽ bị xử phạt nghiêm minh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...