Nghiên cứu áp dụng ưu đãi tiền khi xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu
Nếu các nước ASEAN và Việt Nam thực sự mong muốn vượt qua các thách thức về phát triển bền vững thì cần có những cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm cải thiện việc huy động nguồn thu nội địa. Trong đó, việc ưu đãi bằng tiền cũng cần được xem xét thấu đáo từ nhiều góc độ.
Khi xây dựng các chính sách để áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đưa ra khuyến nghị áp dụng cơ chế ưu đãi bằng tiền mặt.
Xét theo bối cảnh tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn đa quốc gia lớn chịu ảnh hưởng của Trụ cột II đang được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện ưu đãi về đầu tư trong địa bàn ưu tiên, lĩnh vực ưu tiên, hoặc quy mô đầu tư lớn, với mức thuế suất áp dụng thấp hơn nhiều so với mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%.
Các ưu đãi này sẽ không còn tác dụng khi Trụ cột II áp dụng do phát sinh thêm thuế phải nộp bổ sung. Cộng thêm với việc doanh nghiệp thường phải bỏ ra chi phí đầu tư lớn ở giai đoạn đầu cho cơ sở vật chất, nhân lực... sẽ gây bất lợi lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Do đó, nhiều công ty đa quốc gia đã đưa ra khuyến nghị về việc áp dụng cơ chế ưu đãi bằng tiền nhằm hỗ trợ một phần chi phí đầu tư. Điều này giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng, khuyến khích các hoạt động đầu tư thực chất và mang tính dài hạn.
Hiện nay không có mối tương quan nào giữa mức thuế doanh nghiệp thấp hơn và mức vốn FDI cao hơn trên quy mô toàn cầu. Trên thực tế, cũng không có mối tương quan đáng kể nào khi xem xét lượng vốn FDI trên đầu người hoặc khi chỉ tập trung vào FDI vào lĩnh vực xanh. Các động lực FDI quan trọng khác như quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định, môi trường kinh doanh… đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các quyết định.
Ngoài ra, theo Quy tắc mẫu của OECD đối với Trụ cột II, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các khoản giảm trừ thu nhập dựa trên thực chất (“SBIE” – Substance-based income exclusion), tức là doanh nghiệp sẽ được trừ một tỷ lệ nhất định theo giá trị còn lại của tài sản hữu hình và chi phí trả lương khi tính toán thuế phải nộp bổ sung.
Cân nhắc chính sách được hỗ trợ bằng tiền mặt sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư thực chất trên của doanh nghiệp và theo đó, làm giảm số thuế phải nộp bổ sung theo công thức nêu trên.
Đáng chú ý là việc áp dụng ưu đãi bằng tiền cũng đang và sẽ được cân nhắc bởi các quốc gia tương tự Việt Nam (như Thái Lan, Malaysia) trong việc tiếp tục thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, do đó sẽ ảnh hưởng bất lợi đến môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam trong trường hợp các chính sách hỗ trợ bằng tiền này được triển khai.
Ngoài lợi ích cho doanh nghiệp, cơ chế ưu đãi bằng tiền cũng sẽ có lợi cho Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Các khoản ưu đãi bằng tiền dù có thể sẽ phát sinh việc phải trả trước từ ngân sách, nhưng sẽ có ưu điểm là dễ ước tính hơn dựa trên giá trị đầu tư, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài ra có thể được cân nhắc thiết kế theo hướng chi trả nhiều lần để phù hợp cho việc hoạch định ngân sách.
Việc ưu đãi bằng tiền cũng cần được xem xét thấu đáo từ một số góc độ. Trước hết, để áp dụng biện pháp này một cách hợp lý đòi hỏi điều kiện về ngân sách quốc gia. Đây là quan ngại chính của các quốc gia đang phát triển do vấn đề ngân sách hạn chế và khó khăn trong việc phát sinh chi trả trước. Tuy nhiên, nếu cải cách hệ thống thuế hợp lý để tăng nguồn thu từ thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ có thể tận dụng chính nguồn thu này để thêm ngân sách hỗ trợ cho cơ chế ưu đãi bằng tiền.
Một vấn đề khác được đặt ra là việc ban hành cơ chế ưu đãi mới có thể tăng thêm các thủ tục hành chính về mặt quản lý, ví dụ như các thủ tục xin áp dụng ưu đãi, thủ tục xét duyệt, quản lý hành chính, cũng như hậu kiểm để đảm bảo cơ chế ưu đãi được thực hiện hợp lý, đúng mục tiêu, không phát sinh thất thoát.
Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, cơ chế ưu đãi bằng tiền cũng cần được nghiên cứu kỹ càng khi đối chiếu với các quy định của OECD. Ví dụ, theo quy định của OECD, một trong các điều kiện để áp dụng cơ chế thuế suất nội địa đạt tiêu chuẩn (QDTMTT - Qualified Domestic Minimum Top-up Tax – QDMTT), nghĩa là quốc gia áp dụng phải thực hiện và quản lý theo cách phù hợp với quy định theo quy tắc Trụ cột II của OECD và không cung cấp bất kỳ lợi ích nào liên quan đến các quy tắc đó. Việc ban hành chính sách ưu đãi bằng tiền có làm ảnh hưởng đến việc áp dụng QDMTT (nếu Việt Nam lựa chọn phương án này) hay không, cần được cân nhắc cẩn trọng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tham khảo và nghiên cứu quy định của OECD về tác động cụ thể của ưu đãi bằng tiền nói riêng và các chính sách thuế khác tác động lên việc tính toán thuế suất hiệu quả của doanh nghiệp theo công thức của OECD sẽ như thế nào, để phù hợp chính sách quốc gia, khu vực và toàn cầu.