Nghệ An: Khó giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp 'khát' công nhân
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An khó giữ chân người lao động, lượng tuyển mới không bù được số nghỉ việc, nhu cầu tuyển dụng tăng rất cao.
Nhu cầu tuyển dụng cao
Thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) cho thấy, vài năm trở lại đây, mặc dù các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng được nhiều lao động nhưng không giữ chân được lao động do số người nghỉ việc gia tăng kỷ lục. Năm 2023 và 6 tháng năm 2024, số lao động nghỉ việc chiếm trên 50% số lao động tuyển dụng.
Đơn cử như Công ty Luxshare Nghệ An, năm 2023 đã tuyển dụng được 7.126 lao động nhưng có tới 3.793 người nghỉ việc, chiếm 53% số tuyển dụng; 6 tháng đầu năm 2024 tuyển dụng được trên 9.800 lao động nhưng có 7.759 người nghỉ việc, chiếm 79% số lao động được tuyển.
Trong khi đó, từ nay đến cuối năm 2025, nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô sản xuất lớn đi vào hoạt động nên có nhu cầu tuyển trên 70 nghìn lao động. Trong đó 6 tháng cuối năm 2024 là 29.945 người và năm 2025 là 43.445 lao động. Thông tin tuyển dụng trên dựa vào kết quả khảo sát, đăng ký của 73 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam đã và sắp đi vào hoạt động.
Lao động nữ đang làm việc tại Công ty Điện tử Kysungsin Vina tại KCN WHA. (Ảnh: Cơ sở cung cấp) |
Cụ thể như Luxshare-ICT Nghệ An, 6 tháng cuối năm 2024 cần khoảng 13.200 lao động và năm 2025 cần 20.000 lao động; Công ty Merry & Luxshare (Việt Nam) 6 tháng cuối năm cần 5.000 lao động và năm 2025 cần 6.000 lao động, Công ty giầy Crypress (Việt Nam) 6 tháng cuối năm 2024 cần 2.000 lao động và năm 2025 cần 4.000 lao động.
Công ty giầy Andromeda (Việt Nam) 6 tháng cuối năm 2024 cần 1.500 lao động, Công ty công nghệ Runergy (Việt Nam) 6 tháng cuối năm 2024 cần 1.262 lao động và năm 2025 cần 2.000 lao động, Công ty Everwin Precision (Việt Nam) và Công ty Mareep mỗi đơn vị cần 1.000 lao động 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 cần thêm 2.000 lao động; Công ty điện tử Ju Teng, 6 tháng cuối năm 2024 cần 600 lao động và sang năm 2025 cần thêm 2.000 lao động.
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp lớn tại Nghệ An đang 'khát' người lao động, đây không chỉ là áp lực của riêng nhà đầu tư, doanh nghiệp, mà còn là của chung cấp ủy chính quyền tỉnh Nghệ An.
Doanh nghiệp khó giữ chân người lao động
Theo Cục quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nguyên nhân người lao động tại các khu công nghiệp nghỉ việc chủ yếu là do mức tiền lương và thu nhập bình quân các doanh nghiệp tại Nghệ An trả cho lao động còn thấp. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm, mặc dù mức trả 6,63 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2022; tính cả các khoản, tổng thu nhập chỉ xấp xỉ 7 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước (8,49 triệu đồng/người/tháng) và các tỉnh, thành khác như Thanh Hóa là 7,848 triệu đồng, Hà Tĩnh là 7,633 triệu đồng, TP. Hồ Chí Minh là 11,4 triệu đồng và Hà Nội là 7,402 triệu/người/tháng.
Lãnh đạo tỉnh cùng Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An thăm khảo sát tình hình sản xuất tại Nhà máy Luxshare để nắm nhu cầu lao động. (Ảnh: Cơ sở cung cấp) |
Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An là địa phương có dân số đông, mỗi năm có từ 36 - 40 nghìn người bước vào độ tuổi lao động. Thế nhưng, do phần lớn các lao động đều lựa chọn đi xuất khẩu lao động, làm việc ngoại tỉnh hoặc làm nghề tự do nên số lao động tham gia thị trường nhân lực địa phương không nhiều.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vào Nghệ An chủ yếu tuyển lao động phổ thông. Doanh nghiệp khó tuyển và khó giữ chân lao động vì trả lương thấp thì chỉ cần có cơ hội, thu nhập tốt hơn thì lao động sẽ bỏ việc, nhảy việc.
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết, mức thu nhập là điểm nghẽn, lực cản lớn nhất của doanh nghiệp khu kinh tế. Mặc dù các doanh nghiệp Nghệ An đang trả lương cho lao động đúng theo quy định về lương tối thiểu vùng, nhưng còn thấp trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Người lao động tìm cơ hội việc làm tại hội chợ cung cầu lao động do Công ty VSIP phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Hải) |
Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Phong, Trưởng phòng Doanh nghiệp và lao động, Khu Kinh tế Đông Nam chia sẻ thêm, nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc tại khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai I ngày càng tăng. Tuy nhiên, hạn chế của các doanh nghiệp FDI là muốn tuyển dụng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo là nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ. Đây là tính toán sai lầm bởi lao động Nghệ An có nhiều lựa chọn. Cũng như các tỉnh, các chi phí sinh hoạt của lao động đều tăng nên mức lương thấp sẽ khó tuyển được lao động tốt.
Vấn đề về lao động làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp ở Nghệ An hiện khá cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngành lao động và các trường đào tạo nghề, cơ sở dịch vụ việc làm…