A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Sáng ngày 12/9/2022, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh Tín dụng (BLTD) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Nguyễn Việt Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; Ông Daniel Fitzpatrick - Giám đốc Văn phòng Dự án USAID LinkSME đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có TS. Phạm Phan Dũng – Chuyên gia dự án USAID LinkSME; Đại diện Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhỏ và vừa; các Quỹ Bảo lãnh Tín dụng và các chuyên gia dự án.

Tiếp tục rà soát, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong triển khai hoạt động BLTD

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp không nhỏ vào việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, do đó, đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động hiệu quả, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ vay vốn tại các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính... được Nhà nước vô cùng quan tâm.

Bên cạnh những kết quả tích cực trong triển khai hoạt động BLTD, thời gian qua, BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các tổ chức cho vay vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc, cụ thể: cơ chế, chính sách cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn; mô hình tổ chức, bộ máy năng lực tài chính, quy mô nguồn vốn dành cho hoạt động BLTD của các tổ chức bảo lãnh còn nhỏ; hoạt động BLTD chưa tập trung về một đầu mối...

Ông Nguyễn Việt Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Việt Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Việt Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng nhấn mạnh: “Để hoạt động BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP quy định việc thành lập tổ chức và hoạt động của quỹ BLTD tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay, sau gần 4 năm triển khai, thời gian đủ dài để các cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá lại, qua đó làm rõ những tồn tại, hạn chế nhằm đề xuất giải pháp phù hợp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Cũng tại phiên khai mạc, ông Daniel Fitzpatrick - Giám đốc Văn phòng Dự án USAID LinkSME cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Cùng với đó, hầu hết các ngân hàng thương mại không thu được lợi nhuận từ hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn. Vì vậy, Hội thảo này nhằm trao đổi để đề ra các giải pháp khắc phục vấn đề này.

Đánh giá sơ bộ về tình hình quản lý và hoạt động các quỹ BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, TS. Phạm Phan Dũng – Chuyên gia dự án USAID LinkSME cho biết, các nội dung của Nghị định này được quy định phù hợp với các văn bản Luật: Luật Tổ chức Tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa..., qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức cho vay để đầu tư, phát triển kinh doanh.

Ông Daniel Fitzpatrick - Giám đốc Văn phòng Dự án USAID LinkSME phát biểu tại Hội thảo.

Ông Daniel Fitzpatrick - Giám đốc Văn phòng Dự án USAID LinkSME phát biểu tại Hội thảo.

Hiện nay có 25 quỹ BLTD đang hoạt động, thực hiện chức năng BLTD để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vay vốn. Nguồn lực tài chính của các quỹ BLTD chủ yếu là hỗ trợ từ ngân sách địa phương, bên cạnh đó, được bổ sung thêm từ nguồn thu lãi tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, nguồn vốn ủy thác của các cơ quan, tổ chức kinh tế hoặc từ hoạt động đầu tư.

“Doanh số bảo lãnh của các quỹ BLTD từ năm 2002 lũy kế đến 31/12/2021 ước khoảng trên 4.768,31 tỷ  đồng với khoảng trên 2.450 doanh nghiệp nhỏ và vừa được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng.” – TS. Phạm Phan Dũng cho hay.

Đề cập đến kết quả hoạt động huy động vốn của quỹ BLTD, TS. Phạm Phan Dũng nhấn mạnh, theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, các quỹ BLTD được huy động vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của Quỹ bảo đảm phù hợp với khả năng hoàn trả nhằm tạo điều kiện cho các quỹ này tăng thêm nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích các quỹ BLTD tăng cường huy động các nguồn lực  ngoài xã hội, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn về ngân sách. Thời gian qua, một số quỹ BLTD cũng đã tích cực tìm kiếm, huy động các nguồn lực khác ngoài khoản ngân sách cấp để bổ sung vốn điều lệ, tuy nhiên, kết quả chưa đạt như mong muốn.

TS. Phạm Phan Dũng – Chuyên gia dự án USAID LinkSME phát biểu tại Hội thảo.

TS. Phạm Phan Dũng – Chuyên gia dự án USAID LinkSME phát biểu tại Hội thảo.

Cũng trao đổi tại Hội thảo, nhằm phát triển hơn nữa hiệu quả hoạt động của quỹ BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Phạm Phan Dũng còn đưa ra một số đề xuất cụ thể với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố và các quỹ BLTD.

Giải pháp nào để khắc phục tồn tại, hạn chế trong hoạt động BLTD?

Tham luận tại Hội thảo về tình hình hoạt động của quỹ BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Quỹ BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Cần Thơ cho biết, quỹ BLTD thực hiện bảo lãnh tín dụng theo đúng quy trình và quy chế bảo lãnh tín dụng; phối hợp với các tổ chức tín dụng kiểm tra việc sử dụng vốn vay và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp được cấp bảo lãnh tín dụng. Nhìn chung, các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ đối với các tổ chức tín dụng, hoạt động kinh doanh ổn định, sử dụng vốn vay đúng mục đích.

“Tại TP. Cần Thơ, ngân hàng giải ngân cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi được quỹ BLTD cấp chứng thư bảo lãnh còn hạn chế. Theo lý giải của các ngân hàng, để vay được vốn, sự bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng chỉ là một điều kiện, bởi doanh nghiệp cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khác của ngân hàng, thậm chí có một số ngân hàng không chấp nhận chứng thư. Tuy nhiên, lý do khiến các ngân hàng không mặn mà với BLTD là quy mô vốn điều lệ Quỹ còn quá nhỏ, chứng thư bảo lãnh chưa tương xứng với các gói cho vay”- ông Nguyễn Hữu Phước cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Quỹ BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Cần Thơ trình bày tham luận tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Quỹ BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Cần Thơ trình bày tham luận tại Hội thảo.

Đưa ra kiến nghị về giải pháp đẩy mạnh hoạt động quỹ BLTD trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Phước cho rằng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai tốt hoạt động của quỹ BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có quy định cụ thể về việc trích lập dự phòng, xây dựng quỹ bù đắp dự phòng rủi ro. Ngoài ra, có thể cho phép quỹ BLTD huy động vốn từ các quỹ nước ngoài để tăng vốn điều lệ, qua đó tạo nguồn lực cho quỹ phát triển và hỗ trợ một cách thiết thực đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (thông qua ủy thác).

Cũng tại Hội thảo, đại diện Quỹ BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát thực tế những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động tỉnh Vĩnh Phúc thông qua đó có văn bản tới chính quyền địa phương, các Bộ ngành liên quan, ngân hàng thương mại….. để hoạt động BLTD được thực hiện có hiệu quả.

Đồng thời, xem xét điều chỉnh lại thẩm quyền trong việc xóa nợ lãi đối với các khoản nhận nợ vay bắt buộc khi phải xử lý rủi ro theo hướng giao cho Chủ tịch Quỹ được xem xét xóa nợ lãi nợ vay bắt buộc khi khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện do quỹ hiện nay đang hoạt động theo tiêu chí không vì mục tiêu lợi nhuận. Mở rộng thêm tiêu chí để được xem xét xóa nợ lãi như: Khách hàng đã xử lý hết tài sản bảo đảm, không có hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không hoạt động trong vòng 3 năm liên tiếp trước thời điểm xem xét xóa nợ lãi...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe những ý kiến tham luận, trao đổi của đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đại diện Quỹ BLTD Hàn Quốc... Các đại biểu đã chia sẻ về những kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai quỹ BLTD và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính ghi nhận, đánh giá cao những nội dung được các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo. Những vấn đề này, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan sẽ tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, qua đó nghiên cứu để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn hiện cơ chế chính sách về BLTD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này thuận lợi vay vốn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính bày tỏ mong muốn và hy vọng rằng, Bộ Tài chính và USAID sẽ tiếp tục hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm không chỉ dừng lại ở hoạt động BLTD mà còn phát triển sâu rộng hơn trong thời gian tới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...