A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thiện cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa

Hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã được ban hành đầy đủ và tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.

Cơ chế chính sách liên tục được hoàn thiện

Theo Bộ Tài chính, các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ, tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành 03 thông tư bao gồm: Thông tư số 119/2021/TT-BTC ngày 23/12/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 83/2018/TT-BTC ngày 30/8/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC; Thông tư số 05/2022/TT-BTC ngày 08/02/2022 hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa và chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ và Thông tư số 07/2022/TT-BTC ngày 09/02/2022 hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn một số nội dung về khai, nộp và chi từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP; rà soát, nghiên cứu về việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và Thông tư số 36/2021/TT-BTC, Thông tư 46/2021/TT-BTC, Thông tư số 111/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Rà soát, nghiên cứu quy định về xác định giá trị doanh nghiệp

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, 7 tháng đầu năm 2022, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm. Trong 7 tháng đầu năm 2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt, ngoài ra ghi nhận bổ sung 01 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Trong tháng 07/2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác thoái vốn tuy nhiên có đơn vị thoái vốn không thành công. Lũy kế 07 tháng đầu năm 2022, ghi nhận các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 382 tỷ đồng, thu về 2.180 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn chậm.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, các cơ chế chính sách pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ.

Trong đó, sẽ rà soát, nghiên cứu quy định về xác định giá trị doanh nghiệp; xác định giá trị quyền sử dụng đất bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc gắn công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong quy trình cổ phần hóa.

Cùng với hoàn thiện cơ chế chính sách, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước cần quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...