A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giấy phép 'mẹ' đẻ giấy phép 'con', doanh nghiệp phản ánh tình trạng thủ tục hành chính phức tạp

Nhiều doanh nghiệp nhỏ phản ánh rằng quy định về các giấy phép con và điều kiện kinh doanh là trở ngại lớn nhất khi bắt đầu hoạt động kinh doanh. Việc phải xin nhiều giấy phép từ nhiều cơ quan khác nhau làm chậm quá trình gia nhập thị trường đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ vốn hạn chế về nguồn lực. 

Vẫn còn nhiều giấy phép con

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố khảo sát hàng trăm doanh nghiệp, trước thực trạng thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong năm 2024.

Trong báo cáo này, các doanh nghiệp phản ánh việc các cơ quan chức năng vẫn yêu cầu các giấy phép con và điều kiện kinh doanh. Điều này gây cản trở lớn cho các doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong vận hành hoạt động và thực hiện thủ tục hành chính.

Các doanh nghiệp (DN)  hoạt động trong các lĩnh vực như hóa chất, xây dựng và thực phẩm phản ánh gặp phải khó khăn do phải tuân thủ các quy định của nhiều cơ quan quản lý khác nhau, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.

giay phep me de giay phep con doanh nghiep phan anh tinh trang thu tuc hanh chinh phuc tap hinh 1

Giấy phép 'mẹ' đẻ giấy phép 'con', doanh nghiệp phán ảnh tình trạng thủ tục hành chính phức tạp. (Ảnh minh họa/DF)

Đặc biệt, nhiều DN nhỏ phản ánh rằng quy định về các giấy phép con và điều kiện kinh doanh là trở ngại lớn nhất khi bắt đầu hoạt động kinh doanh.

 Việc phải xin nhiều giấy phép từ nhiều cơ quan khác nhau làm chậm quá trình gia nhập thị trường của DN, đặc biệt đối với các DN nhỏ vốn hạn chế về nguồn lực. 

Báo cáo đã chỉ rõ, DN công nghiệp chế biến, chế tạo tại Hà Nội gặp phải tình trạng giấy phép kinh doanh có điều kiện hóa chất, thủ tục gặp rất nhiều trở ngại, chi phí rất cao. 

Hộ kinh doanh tại Vĩnh Phúc đối mặt với thủ tục đăng ký phức tạp, đòi hỏi nhiều điều kiện không cần thiết. Chỉ cần gắn trách nhiệm, nghĩa vụ cho người nộp thuế là đủ. Vấn đề đăng ký ngành nghề cụ thể tạo ra giới hạn kinh doanh cho người nộp thuế, dẫn đến việc mất linh hoạt trong việc xây dựng phương án kinh doanh trong ngắn hạn khi có dịch chuyển xu hướng tiêu dùng. 

Doanh nghiệp lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Thái Nguyên gặp tình trạng giấy phép xin rất khó khăn vì nhiều giấy phép con. Đơn cử như phòng cháy chữa cháy không có hướng dẫn quy chuẩn cụ thể. Doanh nghiệp lĩnh vực y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tại Hà Nội, thủ tục hành chính, đăng ký sản phẩm khó khăn. 

Doanh nghiệp FDI lĩnh vực vận tải, kho bãi tại Hà Nội phản ánh quá nhiều yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài. Yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự sao kê ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài để chứng minh tài chính khi đăng ký đầu tư ở Việt Nam trong khi số tiền là nhỏ và luôn có thể kiểm tra sau. 

Doanh nghiệp lĩnh vực khai khoáng tại Hà Nội: Quá nhiều thủ tục pháp lý cho một chủ thể kinh doanh, nhất là điều kiện kinh doanh. Dù đã được cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng trên hệ thống cổng thông tin của Bộ Xây dựng, nhưng khi nộp hồ sơ vẫn phải đi công chứng, vẫn phải chứng minh. 

 

Trong một số nghiên cứu mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thường nhấn mạnh rằng việc cải thiện quy trình xử lý hồ sơ có thể giúp giảm thiểu chi phí khởi nghiệp và tăng tốc độ gia nhập thị trường của DN, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực như hiện nay. 

Đẩy nhanh cắt giảm thủ tục hành chính

Trong khi đó, với tầm quan trọng của cải cách điều kiện kinh doanh, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo nội dung này tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. 

Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 sau 3 năm thực hiện, bước đầu tạo xu hướng xây dựng pháp luật minh bạch. 

Trong năm 2023, tổng hợp từ các bộ, ngành cho thấy đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến hết năm 2023 là 2.770 quy định. 

Tuy vậy, theo báo cáo rà soát sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức độ rà soát và các phương án sửa đổi điều kiện kinh doanh về cơ bản còn rất ít hoặc mang tính hình thức, chưa thật sự có ý nghĩa và tạo thuận lợi cho DN.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66, phê duyệt Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026

Quan điểm của Chương trình là thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Mục tiêu của Chương trình đó là năm 2025: Cắt giảm, đơn giản hoá ngay thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ. 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

100% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong từng cơ quan hành chính nhà nước được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, thời gian giải quyết, chi phí thực hiện và sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với việc thực hiện tinh gọn, sắp xếp bộ máy, đồng thời bảo đảm thông suốt, hiệu quả.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...