A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dòng tiền đang rút khỏi chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp về ngân hàng

Thanh khoản ngắn hạn của các ngân hàng đang cực kỳ dồi dào, có thể do dòng tiền đang tạm thời rút khỏi thị trường chứng khoán, trái phiếu, tiền ảo… trở về ngân hàng.

Nguồn tiền ngắn hạn đang dồi dào

Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh thời gian gần đây. Cụ thể, ngày 26/5, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ còn 0,74%/năm, giảm mạnh 0,58% so với 1 tuần trước đó và giảm tới 1,12% so với 2 tuần trước.

Các kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng cũng có xu hương giảm mạnh, lần lượt ở mức 1,38%/ năm và 2,5%/ năm (so với các mức 1,78%/ năm và 2,68%/ năm 1 tuần trước đó).

Điều này cho thấy thanh khoản ngắn hạn của các ngân hàng đang rất dồi dào.

Không chỉ vậy, cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi khu vực dân cư, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp cũng có xu hướng tăng kể từ đầu năm. Cụ thể, số dư tiền gửi của khách hàng tại thời điểm cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.

Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,47 triệu tỷ đồng, tăng gần 174.000 tỷ đồng, tương đương tăng 3,28%. Con số này cao hơn mức tăng tiền gửi dân cư trong cả năm 2021 (chỉ hơn 158.000 tỷ đồng).

Cùng với đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng gần 219.500 tỷ lên hơn 5,86 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,89%.

Theo đó một số chuyên gia, sở dĩ tiền gửi, đặc biệt tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh thời gian gần đây có thể do các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tiền ảo… giảm bớt sức hút, trong khi lãi suất ngân hàng có xu hướng nhích tăng khiến kênh này trở thành kênh trú ẩn tạm thời của dòng tiền.

Theo đó, thanh khoản thị trường chứng khoán đã giảm mạnh từ mức kỷ lục trên dưới 50 nghìn tỷ đồng mỗi phiên vào cuối năm ngoái, xuống chỉ còn quanh mức 15 -18 nghìn tỷ đồng hiện tại. Sự suy giảm dòng tiền xảy ra khi thị trường chứng khoán có những nhịp giảm sâu khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ, rút khỏi thị trường.

Dòng tiền đang rút khỏi chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp về ngân hàng ảnh 1

Dòng tiền đang tạm trở về trú ẩn tại các ngân hàng

Song song với đó, trong vài tháng trở lại đây hàng loạt doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu trước hạn khiến một nguồn tiền lớn quay trở lại với các cá nhân, tổ chức.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng khối lượng trái phiếu được mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý 1.

Với thị trường tiền ảo, thời gian gần đây chứng khiến nhiều đồng tiền ảo chủ chốt rơi không phanh, nhiều nhà đầu tư đã nhận ra sự rủi ro quá mức ở kênh này.

Cùng với đó, xu hướng số hóa ngân hàng cũng được cho là đang giúp các ngân hàng có được lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lớn hơn, giúp giảm áp lực thanh khoản các kỳ hạn ngắn.

Một đặc điểm nữa trong tăng trưởng tiền gửi cuối 2021, đầu 2022 là tiền gửi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tăng mạnh, thậm chí là tăng mạnh hơn tiền gửi dân cư. Theo các chuyên gia, là do hoạt động sản xuất kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc tăng giá mạnh của một số nguyên vật liệu đầu vào cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa thể bứt phá, họ chọn cách tạm thời gửi tiền ngân hàng thay vì mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng vẫn đẩy mạnh huy động tiền gửi

Dù thanh khoản tạm thời dư thừa, song đây chỉ là nguồn tiền ngắn hạn. Do vậy, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn để phục vụ nhu cầu tín dụng dự kiến tăng mạnh thời gian tới, đồng thời để đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn phù hợp.

Trong cuối tháng 5, thị trường chứng kiến 2 ngân hàng lớn là Techcombank và VPBank cùng đồng loạt tăng lãi suất huy động.

Theo đó, đối với tiền gửi tại quầy, lãi suất cao nhất của Techcombank đã tăng lên 6,2%/ năm (kỳ hạn 36, dành cho khách hàng VIP 1), tăng 0,3 %/năm so với trước đó. Với gửi online, lãi suất cao nhất là 6,5%/ năm. Các kỳ hạn khác cũng được nhà băng này cộng thêm lãi suất khoảng 0,3-0,45 điểm %.

Với khách hàng thường, mức lãi suất cao nhất cũng tăng lên 5,95%/ năm với số tiền gửi trên 1 tỷ và 5,85%/ năm với tiền gửi dưới 1 tỷ, tăng mạnh 0,45%/ năm so với trước đó. Còn đối với gửi theo hình thức online, lãi suất kỳ hạn 36 tháng sẽ là 6,3%/ năm.

Đây là đợt tăng lãi suất mạnh nhất của Techcombank trong khoảng 2 năm trở lại đây. Trước đó, ngân hàng này luôn duy trì mức lãi suất huy động thấp nhất hệ thống.

Tại VPBank, nhà băng này đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi online ở nhiều kỳ hạn với mức tăng khoảng 0,3 điểm phần trăm cho các kỳ hạn trên 12 tháng. Hiện lãi suất cao nhất ở VPBank là 6,9%/ năm, áp dụng cho khách hàng gửi từ 50 tỷ trở lên, kỳ hạn 36 tháng theo hình thức trực tuyến; 6,7%/ năm đối với tiền gửi tại quầy.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết