Đảm bảo chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên
Việc sửa đổi chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Luật thuế TNDN hiện hành là cần thiết nhằm khắc phục tình trạng dàn trải, đảm bảo các chính sách ưu đãi về thuế TNDN được thực hiện để phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên của Đảng và Nhà nước.
Nhiều bất cập phát sinh trong chính sách ưu đãi thuế TNDN
Theo Bộ Tài chính, Luật thuế TNDN hiện hành quy định ưu đãi thuế TNDN (gồm thuế suất, thời gian miễn, giảm thuế) tại Chương III Luật thuế TNDN, bao gồm 6 Điều (từ Điều 13 đến Điều 18).
Thực tế phát triển trong các giai đoạn vừa qua cho thấy, ưu đãi thuế TNDN đang là công cụ khá quan trọng trong việc khuyến khích DN đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như thu hút dòng vốn FDI. Chính sách ưu đãi thuế TNDN trong thời gian qua cũng đã có những điều chỉnh sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của Đất nước trong từng thời kỳ.
Những điều chỉnh, bổ sung về chính sách ưu đãi thuế cùng với những cải cách, thúc đẩy môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên nhiều phương diện, trong đó có yếu tố chính sách ưu đãi thuế, nhất là thuế TNDN. Kết quả thể hiện ở nguồn vốn FDI vào Việt Nam không ngừng tăng lên qua các năm, đưa Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trong những giai đoạn khó khăn của thế giới và khu vực.
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành cũng đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế cần được nghiên cứu, rà soát lại cho phù hợp. Trong đó, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích phát triển còn hạn chế.
Qua rà soát cho thấy, các DN thường tập trung đầu tư tại những nơi có kết cấu hạ tầng thuận lợi như khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên là hai khu vực có tỷ trọng DN thực hiện đầu tư thấp, nhất là nhóm DN FDI.
Đặc biệt, lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế còn dàn trải, cùng với việc lồng ghép nhiều chính sách xã hội trong chính sách thuế đã làm giảm tính trung lập của thuế, làm gia tăng chi phí ngân sách của việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế TNDN.
Với tổng số nhóm lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN hiện nay là 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề; về địa bàn ưu đãi thuế hiện có 54/63 tỉnh, thành phố thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế, thêm vào đó là các KKT, KCNC và các KCN (trừ KCN tại địa bàn thuận lợi). Danh mục địa bàn ưu đãi thuế TNDN hiện hành đang áp dụng theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư tại Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư năm 2020 (Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021).
Tuy nhiên, qua rà soát danh mục này cho thấy danh sách các địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn và địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn qua nhiều lần sửa đổi thì không giảm, thậm chí văn bản sau số lượng địa bàn được ưu đãi còn mở rộng hơn so với văn bản trước. Danh mục địa bàn được hưởng ưu đãi thuế hiện nay được cho là khá rộng.
Ngoài ra, đối với KKT, KCNC đều áp dụng chung một cơ chế ưu đãi như nhau với mức ưu đãi ngang bằng với ưu đãi dành cho các dự án đầu tư vào các địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn mà không gắn với đặc điểm thực tế và mức độ phát triển, hạ tầng của từng khu.
Hiện nay, chính sách ưu đãi thuế vẫn còn được lồng ghép trong các luật chuyên ngành. Trong quá trình xây dựng các Luật chuyên ngành thời gian qua, tại một số văn bản Luật vẫn tiếp tục có các quy định về chính sách ưu đãi thuế như Luật Đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Việc quy định về chính sách thuế tại các văn bản Luật chuyên ngành như nêu trên đã ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, làm tăng tính dàn trải và giảm tính trung lập của thuế.
Khắc phục tình trạng dàn trải, đảm bảo ưu đãi thuế với các ngành, lĩnh vực ưu tiên
Trước những tồn tại, bất cập nêu trên, tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị đã đặt ra chủ trương và giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý.
Gần đây, Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội cũng đã đề ra giải pháp thực hiện để đạt tỷ lệ huy động cao hơn vào NSNN, khai thác các dư địa thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế.... Hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội trong pháp luật về thuế. Rà soát, hoàn thiện các quy định ưu đãi thuế để tránh thất thu, bảo đảm minh bạch, công bằng, khả thi, phù hợp với xu thế phát triển và thông lệ quốc tế...
Bộ Tài chính cho biết, qua thực tiễn kinh nghiệm ở nhiều nước và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế (như WB, IMF) cho thấy, ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định đối với các nhà đầu tư khi lựa chọn địa điểm đầu tư mà các yếu tố như đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, sự ổn định và minh bạch của thể chế có ý nghĩa quan trọng hơn.
Xu hướng cải cách chính sách thuế TNDN của các nước trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy, một số nước đã thực hiện chủ trương thu hẹp phạm vi ưu đãi, chỉ tập trung cho một số ngành ưu tiên, mũi nhọn (nghiên cứu đổi mới, phát triển khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo...) và vùng đặc biệt khó khăn bên cạnh các giải pháp tạo thuận lợi, giảm bớt chi phí cho nhà đầu tư và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn về tổng thể.
Theo đó, để khắc phục các bất cập nêu trên, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi chính sách ưu đãi đang được quy định tại Luật Thuế TNDN để khắc phục tình trạng dàn trải, đảm bảo các chính sách ưu đãi về thuế TNDN được thực hiện để phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên của Đảng và Nhà nước.
Tại dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế cho phù hợp nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thuế, tập trung khuyến khích vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, khuyến khích đổi mới sáng tạo, lĩnh vực xã hội hóa, bảo vệ môi trường, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đầu tư tại các vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, liên quan đến việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế trên phạm vi quốc tế, nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận với sự đồng thuận của hơn 140 quốc gia đã thống nhất, ra tuyên bố về việc thực hiện Khung giải pháp Hai trụ cột để các nước nghiên cứu, triển khai tại quốc gia mình.
Trong đó, Trụ cột 2 với mục đích thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về mức TNDN tối thiểu (hạn chế tình trạng giảm thuế suất thuế TNDN quá mức giữa các quốc gia) đã đặt ra cơ chế cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ cuối cùng của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hàng năm trong Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ tối cao từ 750 triệu Euro trở lên sẽ được thu thêm phần tiền thuế đối với khoản thu nhập mà công ty đa quốc gia này thu được từ hoạt động đầu tư kinh doanh ở quốc gia khác mà chỉ chịu mức thuế suất thuế TNDN dưới mức tối thiểu là 15%.
Theo Bộ Tài chính, cơ chế áp dụng thu thuế bổ sung đối với công ty mẹ ở nước ngoài không ảnh hưởng đến số thu thuế của Việt Nam đối với các công ty con theo chính sách hiện hành cũng như không bắt buộc Việt Nam phải cắt giảm ưu đãi đã cấp cho các công ty con.
Do vậy, chưa phát sinh việc bảo đảm ưu đãi đầu tư đã cấp tại Việt Nam đối với các công ty con thành viên thực hiện đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc duy trì tính hấp dẫn của các chính sách thu hút đầu tư trong xu hướng các quốc gia khác cũng đẩy mạnh các chính sách ưu đãi nhằm mục tiêu thu hút đầu tư.
Theo đó, để đảm bảo một hệ thống chính sách thuế bình đẳng, thống nhất, tiếp tục thúc đẩy, thu hút đầu tư để phục vụ phát triển KT-XH trong giai đoạn tới và không tạo ra sự xáo trộn lớn ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng DN (bao gồm cả DN không thuộc phạm vi áp dụng của Trụ cột 2), bảo đảm quyền đánh thuế đối với các công ty đa quốc gia có đầu tư tại Việt Nam (trong trường hợp Việt Nam không thu thêm thuế thì quốc gia nơi công ty mẹ đóng trụ sở chính sẽ hưởng nguồn thu này) cũng như các DN Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, cần thiết nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN cho phù hợp với cơ chế thực thi của Trụ cột 2, đồng thời hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.
Theo đó, tại dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế đối với DN thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) và nguyên tắc nộp bổ sung phần thuế chênh lệch đối với các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam khi tham gia Trụ cột 2.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng; Rà soát, bổ sung nội dung về ưu đãi đầu tư đặc biệt nhằm đảm bảo sự thống nhất với quy định của Luật Đầu tư và việc tham gia Trụ cột 2.