A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cẩn trọng rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp lỗ tỷ giá

Báo cáo tài chính quí II/2022 đã công bố cho thấy nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp khu vực Nhà nước, lỗ nặng do chênh lệch tỷ giá…

Lỗ nặng do chênh lệch tỷ giá

Báo cáo tài chính công bố của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, nhiều doanh nghiệp lỗ nặng tỷ giá liên quan các khoản vay ngoại tệ đầu tư cho các dự án sản xuất kinh doanh.

Điển hình báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVC), cho thấy doanh thu thuần tăng 31,8% lên hơn 866,7 tỷ đồng, mức tăng trưởng này phần lớn là do doanh thu của mặt hàng biên lợi nhuận thấp; Giá vốn hàng bán tăng nhiều hơn với 33% lên 813 tỷ đồng, theo đó biên lãi gộp của PVC giảm từ 7% xuống 6,2%. Doanh thu tài chính tăng 11,2% lên 3,9 tỷ đồng, song chi phí tài chính ở mức 10,4 tỷ đồng, gấp 5,2 lần cùng kỳ.  Theo đó, lợi nhuận sau thuế của PVC gần 7 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 3,7 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần tăng 40,1% lên 1.345 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ trao đổi hàng hóa chiếm gần 90% với 1.204,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,9% xuống 7,2%. Với các khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá gia tăng nên khoản danh thu hoạt động tài chính tăng 27% lên 9 tỷ đồng. Tuy  chi phí tài chính gấp 7,3 lần lên 15,4 tỷ đồng, PVC ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 12,8 tỷ đồng, lỗ ròng từ tỷ giá là 11,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức gần 155 triệu đồng cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế  của PVC  giảm 10% xuống 7 tỷ đồng.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là doanh nghiệp ảnh hưởng lớn nhất bởi tỷ giá. Với nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu và dư nợ vay USD lớn, HPG  khoản ghi nhận khoản lỗ ròng do chênh lệch tỷ giá là 1.090 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn là 4.032 tỷ đồng, giảm gần 60%. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 23% đạt 81.480 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 27% xuống 12.249 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bất động sản, do phát hành trái phiếu ra thị trường trường quốc tế bằng đồng USD lớn, lỗ chênh lệch tỷ giá mà doanh nghiệp hứng chịu cũng khá lớn. Cụ thể là trường hợp CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL). Tính đến thời điểm 30/6, tổng số nợ vay bằng USD của NVL  ở mức 3.773 tỷ đồng. Do vậy, NVN đã chịu khoản lỗ ròng 294 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Một ông lớn nữa là DNNN - Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC), trong báo cáo tài chính quí 1/2022 cho thấy chi phí tài chính tăng 47% lên 45,6 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá 23,35 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ 2,5 tỷ đồng.

Tổng công ty Phát điện 3 (PGV) cũng là đơn vị có đa số các khoản vay bằng đồng USD nên chịu khoản lỗ ròng do chênh lệch tỷ giá là 319 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối cuối tháng 6, tổng nợ vay PGV ở mức 42.558 tỷ đồng, giảm 4,7% so với đầu năm. Nợ vay ở mức cao cùng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 354 tỷ đồng khiến chi phí tài chính tăng lên gần 680 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu tài chính chỉ là 120 tỷ đồng. Cùng với việc giá vốn hàng bán tăng lên, lợi nhuận ròng của PVG đã giảm 52,3% còn còn 407,4 tỷ đồng.

Đánh giá về các doanh nghiệp lỗ do chênh lệch tỷ giá, các chuyên gia cho rằng những khoản lỗ này đã ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, nhất là các ông lớn thuộc Tập đoàn Nhà nước.

Nhà đầu tư lưu ý điều gì?

Báo cáo nhận định của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp - Agriseco cho rằng, sự tăng lên của tỷ giá USD/VND và sự giảm giá của tỷ giá JPY/VND sẽ có ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thanh toán bằng đồng USD do USD chiếm tới 90% trong giao dịch xuất nhập khẩu; tuy nhiên mức độ ít/nhiều phụ thuộc vào cơ cấu doanh thu cũng như nguồn vốn. Trong khi đó, các giao dịch bằng đồng EUR tại Việt Nam lại chiếm tỷ trọng không quá lớn, do vậy việc tỷ giá EUR/VND giảm sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới các doanh nghiệp đang niêm yết.

Theo đó, một số doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trước diễn biến tỷ giá như hiện tại bao gồm các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu phần lớn từ Mỹ. Ước tính 6 tháng đầu năm của Tổng cục Hải Quan và Agriseco, các mặt hàng được Việt Nam nhập siêu nhiều nhất từ Mỹ bao gồm bông (0,7 tỷ USD); chất dẻo nguyên liệu (0,34 tỷ USD); hóa chất (0,28 tỷ USD); thức ăn chăn nuôi (0,25 tỷ USD) và dược phẩm (0,22 tỷ USD).

Đối với việc nhập khẩu từ các thị trường khác, mặc dù phần lớn các giao dịch xuất nhập khẩu hiện nay được thanh toán bằng USD, tuy nhiên khi USD tăng giá thì các đồng nội tệ bản địa cũng bị mất giá và bù trừ cho sự giảm giá của VND. Do vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: bông, nhựa, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm và hoá chất, thép, xăng dầu… có thể bị tăng giá vốn trong trường hợp tỷ giá USD/VND tăng, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm.

Các doanh nghiệp có tỷ trọng vay nợ USD cao trên tổng tài sản như thép, xăng dầu: Việc huy động vốn vay USD với tỷ trọng lớn có thể khiến các doanh nghiệp chịu lỗ tỷ giá, theo đó làm tăng chi phí tài chính và làm lợi nhuận sau thuế giảm. Do vậy, nhà đầu tư nên lưu ý các doanh nghiệp có chi phí đầu tư tài sản cố định cao như điện than, năng lượng tái tạo, sản xuất thép; hoặc lĩnh vực vận tải như vận tải dầu khí, vận tải hàng không và đang được tài trợ vốn quốc tế thông qua vay nợ bằng USD sẽ là những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi biên lợi nhuận giảm trước biến động bất thường của đồng USD...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...