A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần động lực mới từ môi trường kinh doanh

Một chu kỳ kinh doanh mới đang bắt đầu với nhiều nỗ lực vượt bậc để vượt qua những khó khăn chưa từng có do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Đây là thời điểm doanh nghiệp, nhà đầu tư bắt đầu trở lại “đường đua” cho nên rất cần môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để sớm phục hồi và tăng tốc phát triển.

Thực thi Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong nửa đầu năm 2022 tiếp tục có thêm 641 quy định, điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, bao gồm 174 thủ tục hành chính; 26 yêu cầu, điều kiện; 15 chế độ báo cáo; 426 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành...

Tuy nhiên, quá trình này được thực hiện không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Những bộ, ngành được điểm tên trong danh sách thực hiện tốt nhiệm vụ này là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong khi đó, còn nhiều bộ, ngành vẫn chủ yếu là cắt giảm cơ học, coi việc quy định một thủ tục giảm được từ 3 bộ hồ sơ xuống còn 2 bộ hồ sơ cũng là một phương án đơn giản hóa quy định kinh doanh để liệt kê vào kết quả thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP.

Chính vì vậy, trong thực tế, mặc dù số liệu báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP vẫn rất khả quan nhưng hiệu quả đem lại không như kỳ vọng. Doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa cảm nhận được rõ nét hiệu ứng trong thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh mặc dù nhiệm vụ này vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục hằng năm. Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề nằm ở cách tiếp cận của các bộ, ngành về việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh.

Nếu chỉ lấy mục tiêu đơn giản hóa thành phần hồ sơ khi thực hiện các thủ tục hành chính, cắt giảm các quy định kinh doanh không còn phù hợp thuộc phạm vi, chức năng quản lý của mình cộng với số tiền ước tính sẽ tiết kiệm được cho doanh nghiệp để tính vào kết quả thực thi Nghị quyết số 02/NQ-CP thì chưa đủ.

Điều mà cộng đồng đầu tư, kinh doanh mong mỏi là gỡ bỏ những quy định mang tính chất rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi đó, cơ hội kinh doanh sẽ rộng mở, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư gia nhập thị trường, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nhiều của cải cho xã hội.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời điểm đặc biệt này không chỉ hướng đến mục tiêu giảm các thủ tục hành chính phải tuân thủ, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn là cần đột phá vào các rào cản đang cản trở sự phục hồi để từ đó tạo động lực mới cho doanh nghiệp phát triển.

Muốn vậy, cần quyết liệt cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; gỡ bỏ rào cản từ sự mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định pháp luật.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...