A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Siêu tên lửa mạnh nhất thế giới của Mỹ trình làng: Quái vật chở quái vật!

Để chở được siêu tên lửa SLS nặng 2.875 tấn, NASA phải dùng đến 'quái vật' vận chuyển mang tên Crawler-Transporter 2.

Như đã thông tin trước đó, vào khoảng 5 giờ chiều ngày 17/3/2022, NASA tường thuật trực tiếp sự kiện triển khai siêu tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) cao gần 100 mét, nặng 2.875 tấn từ trong tòa nhà lắp ráp thuộc Trung tâm Vũ trụ Kennedy (ở Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ) di chuyển trên phương tiện bánh xích khổng lồ Crawler-Transporter 2 để ra bệ phóng tại Khu liên hợp phóng 39B (cách đó hơn 6 km).

Theo kế hoạch, sau khi SLS được đưa đến bệ phóng thành công và cố định an toàn, đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên của NASA sẽ tiến hành bước thứ hai - gọi là thử nghiệm tiền phóng - để xác định xem cả tên lửa SLS, tàu vũ trụ Orion (gắn trên đỉnh SLS), thiết bị mặt đất và đội phóng đã sẵn sàng để thực hiện sứ mệnh Artemis I (đưa tàu vũ trụ Orion bay lên Mặt Trăng và quay lại Trái Đất) hay chưa. Artemis I là giai đoạn thứ 1 của Chương trình Artemis đưa người lên Mặt Trăng của Mỹ năm 2025.

ĐIỂM CHÍNH TRONG BUỔI RA MẮT SLS CỦA NASA

Vào lúc 17h ngày 17/3 giờ địa phương, NASA tổ chức sự kiện ra mắt tên lửa SLS (còn có tên là Mega Moon) tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Tham dự sự kiện quan trọng này có đội ngũ các nhà nhà khoa học, chuyên gia, kỹ thuật viên, kỹ sư của NASA cùng các quan chức và cựu phi hành gia Apollo.

- Phát biểu mở đầu sự kiện, Janet Petro - Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Kennedy nói:

"60 năm trước, Trung tâm Vũ trụ Kennedy được thành lập để đáp ứng thách thức mà Tổng thống J.F. Kennedy khi ấy đưa ra là NASA phải đưa người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn trong Chương trình Apollo thế kỷ 20.

Thế kỷ 21 đến, NASA chúng ta lại triển khai chương trình Artemis để một lần nữa đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng. Đó là sẽ người phụ nữ và người da màu đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng!

Janet Petro - Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Kennedy - phát biểu tại buổi ra mắt SLS. Ảnh chụp màn hình NASA Livestream.

Janet Petro - Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Kennedy - phát biểu tại buổi ra mắt SLS. Ảnh chụp màn hình NASA Livestream

NASA đã làm việc ngày đêm để phát triển những công nghệ giúp con người hiện diện trong không gian sâu và sử dụng những kiến thức có được để đưa con người lên sao Hỏa. Và hôm nay, chúng ta ở đây để tôn vinh di sản ấy, tôn vinh những con người đã lao động hăng say để mở ra một chương mới trong hành trình khám phá không gian của NASA nói riêng và nước Mỹ nói chung".

- Bill Nelson - Giám đốc NASA bày tỏ:

"Ngày hôm nay chứng kiến khoảnh khắc thế hệ Artemis mới - dựa trên những thành công vĩ đại của thế hệ Apollo - mở ra chương mới của hành trình khám phá Mặt Trăng nói riêng và không gian nói chung. Thế hệ Artemis mới sẽ đưa người Mỹ tái đổ bộ Mặt Trăng.

Thành tựu đột phá này sẽ mở đường cho những sứ mệnh nhảy vọt khổng lồ trong tương lai của nhân loại đến sao Hỏa. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang ở trong kỷ nguyên vàng của khám phá không gian. Tất cả bắt đầu với sứ mệnh Artemis I.

Trong đó, tên lửa SLS sẽ thực hiện chuỗi sứ mệnh này. SLS là tên lửa đẩy duy nhất có khả năng đưa con người tiến sâu vào vũ trụ. SLS là tên lửa mạnh nhất thế giới và khi cất cánh, nó sẽ ra lực đẩy mạnh 8,8 triệu pound (4.400 tấn Mỹ). Trong khi đó, tàu vũ trụ Orion (lắp trên đỉnh SLS) sẽ thực hiện hành trình dài 386.242 km đến Mặt Trăng.

Và rồi Orion sẽ phiêu lưu trong không gian xa hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào khác từng bay trong lịch sử. Và Orion sẽ ở trong không gian lâu hơn bất cứ tàu vũ trụ nào được thiết kế cho các phi hành gia mà không cần cập bến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Sau hành trình quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng dài 1.609.344 km trong 3 tuần, Orion sẽ trở về nhà nhanh hơn bất cứ phương tiện nào đã có trước đây.

Bill Nelson - Giám đốc NASA. Ảnh chụp màn hình NASA Livestream.

Bill Nelson - Giám đốc NASA. Ảnh chụp màn hình NASA Livestream

Tất cả những kỷ lục này sẽ không thể thành hiện thực nếu không có công sức đóng góp của tất cả mọi người ở đây. Hàng nghìn nhà khoa học, kỹ thuật viên, kỹ sư, nhà nghiên cứu đã tề tựu tại NASA, làm việc bất kể ngày đêm, để đến hôm nay, sau hơn 1 thập kỷ xây dựng, SLS của chúng ta chính thức thành hình!

Tôi thường nói rằng: Ở NASA, điều 'không thể' có thể biến thành 'có thể'! Tận đáy lòng, chân thành cảm ơn các bạn!"

SLS & NGƯỜI VẬN CHUYỂN KHỔNG LỒ

Hệ thống Phóng Không gian (SLS) bao gồm một tầng lõi khổng lồ với bốn động cơ RS-25 cỡ ô tô, hai tên lửa đẩy được gắn ở hai bên và một tàu vũ trụ Orion được bảo vệ trên đỉnh của nó. Đó là 'xương sống' của chương trình Mặt trăng Artemis mới của NASA.

SLS dự kiến, sau khi đưa các phi hành gia lên quỹ đạo Mặt Trăng, họ sẽ sử dụng phương tiện Starship của SpaceX làm tàu ​​đổ bộ lên Mặt Trăng. Sau đó, NASA có kế hoạch thiết lập một căn cứ trên bề mặt Mặt Trăng.

Crawler-Transporter 2 sẽ đưa SLS thẳng đứng ra bệ phóng. Ảnh: NASA

Crawler-Transporter 2 sẽ đưa SLS thẳng đứng ra bệ phóng. Ảnh: NASA

Trước khi làm được những việc đó, NASA phải chứng minh rằng SLS có thể bay. Giờ đây, SLS và Orion đã được xếp chồng lên nhau hoàn toàn và được kiểm tra kỹ lưỡng, NASA đang sử dụng Crawler-Transporter 2 để đưa SLS ra khỏi Tòa nhà lắp ráp phương tiện của mình tới bệ phóng.

Crawler-Transporter 2 - Một thiết bị vận chuyển bánh xích đã sẵn sàng tại Tòa nhà lắp ráp phương tiện, sẽ mang tên lửa thẳng đứng di chuyển đoạn đường 6 km với tốc độ 1,6 km/giờ đến bệ phóng. NASA dự kiến ​​quá trình di chuyển sẽ mất từ ​​6 đến 12 giờ.

Bệ phóng tại Khu liên hợp phóng 39B - nơi SLS sẽ tiến vào không gian thời gian tới. Ảnh: NASA.

Bệ phóng tại Khu liên hợp phóng 39B - nơi SLS sẽ tiến vào không gian thời gian tới. Ảnh: NASA

Bánh xích Crawler-Transporter đã mang tên lửa NASA tới bệ phóng trong suốt hơn 50 năm. Theo thời gian, nó đã được nâng cấp lớn và thử nghiệm trọng lượng mới để đảm bảo có thể vận chuyển tên lửa khổng lồ SLS.

Theo dữ liệu của NASA, Crawler-Transporter 2 nặng 3.300 tấn - trọng lượng tương đương với 15 bức Tượng Nữ thần Tự do của Mỹ. 'Quái vật' vận chuyển này cao 8 mét và có khả năng chở được 9.000 tấn!

Tại bệ phóng, tên lửa SLS sẽ được thử nghiệm tiền phóng, nơi đội phóng thực hành quy trình 8 giờ nạp nhiên liệu cho tên lửa và đếm ngược và dừng 10 giây trước khi "Cất cánh! Bài kiểm tra đó dự kiến ​​vào ngày 3/4/2022.

Nếu suôn sẻ, NASA có kế hoạch khai hỏa các động cơ và thực hiện sứ mệnh Artemis I bay vào vũ trụ lần đầu tiên vào đầu tháng 6/2022.

Nhiệm vụ đầu tiên đó (Artemis I) nhằm mục đích đưa tàu vũ trụ Orion đi vòng quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái đất mà không có con người trên tàu. Nếu suôn sẻ, nhiệm vụ tiếp theo của SLS (Artemis II) sẽ chở các phi hành gia thực hiện chuyến phiêu lưu quanh auỹ đạo Mặt Trăng ở cùng một chặng đường giống Artemis I.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...