Mùa thu - tình yêu và nỗi nhớ
Thu đã về vừa ra đời của thi sĩ Nguyễn Hồng Vinh dù vẫn mang nét thu truyền thống nhưng tránh được lối mòn truyền thống để tạo ra nét riêng: Chia ly để gặp gỡ; Xa nhau để yêu nhau!
Nhà thơ Lưu Trọng Lư có một Tiếng thu quá hay: “Em không nghe mùa thu / dưới trăng mờ thổn thức? / Em không nghe rạo rực / hình ảnh kẻ chinh phu / trong lòng người cô phụ?...”. Cái để bài này sống mãi với thời gian là vẽ lên một không gian thu, tình người bâng khuâng rất hợp với cảnh thu, tình thu thuở trước.
Cảnh và tình hợp vào nhau kết thành hình tượng “con nai vàng ngơ ngác” sẽ làm “ngơ ngác” nhiều thế hệ thi nhân trong những năm tháng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 - đó là quãng thời gian các văn nghệ sĩ đang dò dẫm “tìm đường” để sống đúng với nghề văn cao đẹp, mà bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu, cũng như “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư là ví dụ điển hình. Với Thu đã về vừa ra đời của thi sĩ Nguyễn Hồng Vinh dù vẫn mang nét thu truyền thống nhưng tránh được lối mòn truyền thống để tạo ra nét riêng: Chia ly để gặp gỡ; Xa nhau để yêu nhau!
Thu đã về
Em đã mang Thu đi
Trời Hà thành vần vũ
Mưa trút nước ngập đường
Cây lặng nhìn ủ rũ…
Thu rực vàng nơi đến
Nắng soi hồng má em
Có đám mây sà thấp
Muốn cướp đi Nàng Tiên?!
Nào biết em đêm đêm
Lúc trở mình thao thức
Có bóng ai thoảng qua
Trong giấc mơ hạnh phúc?
Hà thành nắng bừng lên
Khi máy bay hạ cánh
Thu đã theo em về
Nước Hồ Gươm xanh thắm!
Một tuần em xa vắng
Dù thấy hình ti vi
Muốn gửi lời sâu lắng
Chỉ trong mơ thầm thì…
Tháng 10/2023
Nguyễn Hồng Vinh
Tác giả đi theo nguyên tắc kiến tạo không gian trong thi pháp trước đó nhưng ở đây là hai không gian của “anh” và “em”. Tuy hai mà một với những nghĩ suy khá tinh tế. “Em” mang mùa Thu đi là hình ảnh vừa hư vừa thực, như cách “xây” một cây cầu nỗi nhớ giữa “anh” và “em”:
Em đã mang Thu đi
Trời Hà thành vần vũ
Mưa trút nước ngập đường
Cây lặng nhìn ủ rũ…
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. “Người buồn” ở đây là “anh”. Không gian ngày mưa “vần vũ” đã buồn, cộng với nỗi xa em nên nỗi buồn nhân đôi. Anh tưởng tượng không gian nơi em đến, đó là một không gian khác hẳn:
Thu rực vàng nơi đến
Nắng soi hồng má em
Có đám mây sà thấp
Muốn cướp đi Nàng Tiên?!
Tại sao không gian lại có sự phũ phàng ấy? Chỉ vì nỗi sợ mất em mà thôi, một người đã đi vào trái tim “anh” như một “Nàng Tiên”. Do vậy, càng yêu đằm thắm, càng sợ mất nhau! Đó là quy luật. Quy luật ấy ở đây được diễn tả qua hình tượng rất tượng hình “Có đám mây sà thấp / Muốn cướp đi Nàng Tiên”. Vì quá yêu mà “anh” tưởng tượng nhiều tình huống có thể diễn ra đang rập rình chiếm trái tim em.
Nào biết em đêm đêm
Lúc trở mình thao thức
Có bóng ai thoảng qua
Trong giấc mơ hạnh phúc?
Đúng là “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “anh” nơi đất Hà thành đang mưa buồn, “em” nơi không gian Thu đang rực rỡ. Cả hai đều “thao thức” về nhau. Tình yêu là dành cho nhau tất cả nỗi nhớ trọn vẹn. Nghĩ về nhau, nhớ về nhau là hạnh phúc. Hỏi tình yêu nào đẹp hơn! Chờ đợi mãi. Em trở về mang theo cả một không gian mới, đó thật sự là “mùa thu” đích thực đã về!
Hà thành nắng bừng lên
Khi máy bay hạ cánh
Thu đã theo em về
Nước Hồ Gươm xanh thắm!
Chàng trai trong thi phẩm Tập qua hàng của Chế Lan Viên cũng cồn cào nỗi nhớ: “Chỉ một ngày nữa thôi / Em sẽ trở về / Nắng sớm cũng mong / Cây cũng nhớ/ Ngõ cũng chờ / Và bướm cũng thêm màu trên sắc cánh đang bay”. Không gian chỉ hiện lên trong tâm trạng chàng trai, còn không gian trong thơ Nguyễn Hồng Vinh vừa có trong không gian vật lý, vừa có trong tâm tưởng. Mỗi không gian có vẻ đẹp riêng. Trong thơ Hồng Vinh, cả không gian và “em” dường như cụ thể và gần gũi hơn. Em về mang theo niềm vui, thỏa nỗi khát khao chờ đợi! Thế nên khép lại bài thơ là lời “tự thú”:
Một tuần em xa vắng
Dù thấy hình ti vi
Muốn gửi lời sâu lắng
Chỉ trong mơ thầm thì…
Chàng trai (anh) này yêu không “mạnh mẽ” như chàng trai trong thơ Chế Lan Viên. Mà “sâu lắng”, “thầm thì”, muốn giãi bày qua “ý tại ngôn ngoại”. Đấy cũng là một “phong cách” yêu, tùy “cái tôi” mỗi người mà chọn, bởi đều là những “lối” yêu với trăm hương ngàn sắc!