Làng khoa bảng ở Thủ đô
Hà thành phồn hoa và sầm uất. Giữa phố thị, nhịp đô thị hóa dường như càng rõ nét và đậm đặc hơn. Thế nhưng, nếu chậm rãi đi tìm lại những trầm tích lắng đọng nơi phố thị Hà thành, chắc hẳn không ít người hoài cổ có thể dễ dàng thấy chất xưa vẫn ít nhiều được lưu giữ. Làng Đông Ngạc (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một địa danh như vậy. Nơi đây, những mái ngói, những viên gạch vẫn hằn in câu chuyện về một ngôi làng cổ với truyền thống hiếu học bậc nhất đất Kinh kỳ.
Nét xưa cũ trong “bức tranh” hiện đại
Tôi từng đọc qua không ít tài liệu về Kinh thành Thăng Long xưa. Ở trong đó có những biến thiên của lịch sử, những dấu tích của các bậc tiên hiền còn lưu lại. Từ Thăng Long xưa, đến Hà Nội ngày nay đã trôi qua cả ngàn năm. Hà Nội ngày càng nhộn nhịp trong guồng quay đô thị hóa, thế nhưng trong những biến thiên của thời gian những chứng tích xưa vẫn còn ẩn hiện. Đó chẳng đâu xa, là những vết tích rêu phong, là tên gọi của những ngôi làng mang tên “Kẻ” của Hà Nội xưa. Theo lý giải của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, Kẻ là những địa bàn định cư, những đơn vị cơ sở đầu tiên của thời Hùng Vương dựng nước. Trong nhịp chảy thời gian, chốn Kinh kỳ đã từng có những Kẻ Đáy, Kẻ Giàn, Kẻ Mọc, Kẻ Vẽ, Kẻ Noi…
Đình Đông Ngạc. |
Phát triển và lụi tàn là sự tất biến của thời gian. Đến hiện tại, những địa bàn định cư từng một thuở sôi động ấy dần chỉ còn tìm thấy trong sách vở. Dấu tích xưa phai nhạt. Tên xưa, làng cũ dần chỉ còn trong trí nhớ của những người lớn tuổi. Bản thân tôi đã không ít lần lạc bước đến làng Vẽ Đông Ngạc. Thế nhưng, phải mãi đến tận giờ tôi mới biết đó chỉ là tên nôm. Nay muốn tìm đến làng, muốn cánh xe ôm hiểu và đưa đến đúng địa chỉ thì phải gọi là phường Đông Ngạc. Tên gọi dù có những đổi thay nhưng có một chuyện ít người biết đó là dải đất này được xếp “top” đầu trong những làng khoa bảng.
“Ðất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”, đó là câu lưu truyền trong dân gian để ca ngợi làng Ðông Ngạc - Kẻ Vẽ xưa. Nhiều người truyền nhau, đất này tụ nhiều vượng khí, chính vì vậy có không ít người đỗ đạt, ra làm quan. Từ thời Trần đến thời Nguyễn, Ðông Ngạc có hàng chục Tiến sĩ, Bảng nhãn, Phó bảng và hàng trăm Cử nhân, Tú tài, trong đó có những danh nhân nổi tiếng như Nguyễn Hữu Tạo, Hoàng Tăng Bí, Phạm Văn Trường, Hoàng Minh Giám... Ngoài ra, trên mảnh đất khoa bảng nổi tiếng này, những năm 40 của thế kỷ 20, Trung ương Ðảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã gây dựng cơ sở an toàn khu để từ đây chỉ đạo phong trào cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội và cả nước.
Đến Đông Ngạc nếu không ghé thăm đình Đông Ngạc, hay còn gọi là Đình Vẽ thì chuyến đi đó sẽ không thực sự trọn vẹn. Tôi ghé Đông Ngạc và thực may cũng được các cao niên kể cho nghe về di tích lịch sử này. Theo truyền lại, đình được xây dựng từ cách đây hơn 400 năm, với quy mô to lớn cùng nhiều hạng mục kiến trúc cổ kính. Đình được trùng tu nhiều lần qua nhiều thế kỷ, là nơi thờ ba vị thần tượng trưng cho “thiên, địa, nhân” và thờ Tiến sĩ Phạm Quang Dung, người làng có công trùng tu đình năm 1718 và Phạm Thọ Lý, người cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635.
Ngoài ra, tại Đình Vẽ hiện cũng lưu giữ biểu tượng người cầm bút và cầm vòng lửa tượng trưng cho truyền thống văn hiến và khoa cử. Tất cả đều sơn son thếp vàng rực rỡ. Nhà bia của đình còn lưu giữ những tấm bia đá, có tấm cao 1,8m, rộng 1m, đặt trên lưng rùa… tất thảy những vật còn lưu trữ tại đây là minh chứng cho văn hóa, truyền thống hiếu học của vùng đất này.
Đặc biệt hơn, qua những đổi thay của thời gian nhưng hiện Đình Vẽ vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa - lịch sử của người dân trong làng. Đận gặp mặt, ông Lê Văn Châu - Phó Ban quản lý di tích đình Đông Ngạc bảo, cho đến nay, ngoài sự năng động trong phát triển kinh tế, người Đông Ngạc luôn tự hào về truyền thống khoa bảng của mình. Đình vẫn là nơi mà con cháu trong làng tề tựu khi làng có việc. Là nơi bao thế hệ học trò tìm đến mỗi khi đến dịp thi cử. Hơn hết, ngày nay việc học hành của người trong làng vẫn giữ được nề xưa nếp cũ. Trẻ con chẳng phải bố mẹ, ông bà thúc ép chuyện học mà tự bản thân ý thức được niềm tự hào của dòng tộc, của gia đình. Việc học không là gánh nặng mà thay vào đó là niềm đam mê, là mục tiêu phấn đấu và cố gắng của thế hệ trẻ.
Nhiều tiềm năng phát triển
Về Đông Ngạc hôm nay có thể thấy sự phát triển rõ nét của một làng quê thời hiện đại. Những mái nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều, chợ búa ngày càng sầm uất, len lỏi, xen kẽ giữa những nếp nhà xưa. Rất may, sự lột xác của làng quê đã không làm mất đi nhiều những nét đẹp của các công trình kiến trúc cổ. Hiện nay, nhiều đình, chùa, nhà cổ và nhà thờ của những dòng họ nổi tiếng nơi đây dù có nơi trải qua các quá trình trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, uy nghiêm.
Thấy tôi ngẩn ngơ trước bức tranh tường thể hiện cảnh vinh quy bái tổ, bà Nguyễn Thị Vạn, một người dân trong làng bảo, những nét xưa cũ, từ các di tích, các ngôi nhà thờ của các dòng họ trong làng, truyền thống hiếu học… đều gìn giữ cho đến ngày nay là nhờ sự cố gắng đóng góp của dân làng. Những bậc cha ông đi trước đã cố công giữ gìn thì ngày nay, mỗi công dân, mỗi người dân Đông Ngạc cũng đều cố gắng duy trì, bảo tồn di sản từ các bậc tiền nhân.
Trở lại câu chuyện khoa bảng của đất Đông Ngạc, theo tìm hiểu hiện công tác khuyến học nơi đây được đặc biệt coi trọng. Qua thống kê từ Hội khuyến học phường Đông Ngạc, để công tác khuyến học đi vào chiều sâu đến từng hộ gia đình, nhiều mô hình, phong trào học tập đã được phát động như “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”… Kết quả, hàng năm có 95% - 97% gia đình đăng ký và đạt tiêu chí. Từ năm 2014 đến nay, các Chi hội khuyến học đã tổ chức khen thưởng, động viên cho hàng chục nghìn lượt học sinh, giáo viên có thành tích cao trong học tập, rèn luyện.
Nghiệp đèn sách như đã ngấm vào máu, vào tinh thần cầu thị, hiếu học của người Đông Ngạc. Nối tiếp truyền thống ông cha, những người con Đông Ngạc ngày nay có khoảng 100 người có học vị Tiến sĩ. Có những người đã trở thành lãnh đạo cấp cao Nhà nước, những chính khách, nhà yêu nước được lịch sử ghi danh như: Sĩ phu Hoàng Tăng Bí, Tiến sĩ Phan Văn Trường, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm...
Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, nếu nhìn từ Đông Ngạc, cơn lốc đô thị hóa là thách thức song nó cũng không hẳn là xấu nếu biết tận dụng những tiềm năng sẵn có để phát triển. Đặc biệt là thời gian gần đây, khách du lịch đang có xu hướng tự tìm kiếm địa chỉ du lịch, tự khám phá thay vì tham gia các tour du lịch đông người. Đây là cơ hội tốt với du lịch cộng đồng. Với sự yên bình của một ngôi làng nằm ngay nội thành cùng những giá trị văn hóa, lịch sử vốn có, Đông Ngạc hoàn toàn có thể phát triển về du lịch, trở thành điểm đến cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử hoặc tham quan những không gian cổ kính của một ngôi làng cổ, khám phá những nếp nhà với kiến trúc truyền thống.
“Ðất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”, đó là câu lưu truyền trong dân gian để ca ngợi làng Ðông Ngạc - Kẻ Vẽ xưa. Nhiều người truyền nhau, đất này tụ nhiều vượng khí, chính vì vậy có không ít người đỗ đạt, ra làm quan. Từ thời Trần đến thời Nguyễn, Ðông Ngạc có hàng chục Tiến sĩ, Bảng nhãn, Phó bảng và hàng trăm Cử nhân, Tú tài, trong đó có những danh nhân nổi tiếng như Nguyễn Hữu Tạo, Hoàng Tăng Bí, Phạm Văn Trường, Hoàng Minh Giám... |
Giang Nam