A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hình ảnh đầu tiên về cuộc khai quật thành cổ Sơn Tây

Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi nhận những hình ảnh đầu tiên về cuộc khai quật thành cổ Sơn Tây (Hà Nội). Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý cho khai quật thành cổ Sơn Tây.

Thành cổ Sơn Tây là công trình kiến trúc quân sự cổ được xây dựng bằng đá ong, diện tích khoảng 12ha. Thành được xây dựng năm 1822 - một trong 20 thành được xây dựng vào triều Nguyễn.

Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, thành cổ Sơn Tây là vùng “trọng địa” của xứ Đoài, có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du Bắc Kỳ; Đồng thời là bàn đạp, hậu cứ cho biên cương Tây Bắc.

Thành cổ Sơn Tây không chỉ mang trong mình dấu ấn lịch sử, mà còn gây ấn tượng với du khách bởi vẻ đẹp khác biệt của một của công trình kiến trúc phòng thủ cổ độc đáo và tinh tế.
Thành cổ Sơn Tây không chỉ mang trong mình dấu ấn lịch sử, mà còn gây ấn tượng với du khách bởi vẻ đẹp khác biệt của một của công trình kiến trúc phòng thủ độc đáo và tinh tế

Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo, ngay từ năm 1924, thành cổ Sơn Tây được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích; Năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trước đó, như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 11/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 2647 về việc đồng ý khai quật thành cổ Sơn Tây (tại thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).

Hình ảnh đầu tiên về cuộc khai quật thành cổ Sơn Tây
Việc khai quật thành cổ Sơn Tây do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện

Theo đó, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật khảo cổ giai đoạn 1 tại di tích thành cổ Sơn Tây. Thời gian thăm dò, khai quật bắt đầu từ ngày 15/9 - 30/10 với tổng diện tích là 120m2, trong đó mỗi phần diện tích thăm dò và khai quật chiếm 60m2.

Cụ thể, giai đoạn 1 tập trung thăm dò tại ba khu vực: Bố chính phủ, Án sát phủ, cổng Đông. Mỗi khu vực có tổng diện tích thăm dò là 20m2 với bốn hố với diện tích 5m2/hố.

Công tác khai quật được thực hiện tại khu vực Tổng đốc phủ với diện tích 60m2 gồm 3 hố diện tích 20m2/hố. Ông Nguyễn Văn Mạnh - Viện Khảo cổ học - đảm nhận vai trò chủ trì thăm dò, khai quật.

Hình ảnh đầu tiên về cuộc khai quật thành cổ Sơn Tây
Việc khai quật bắt đầu từ ngày 15/9 - 30/10 với tổng diện tích là 120m2, trong đó mỗi phần diện tích thăm dò và khai quật chiếm 60m2

Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Bước đầu, các nhà khoa học đã tìm thấy một số hiện vật
Bước đầu, các nhà khoa học đã tìm thấy một số hiện vật

Sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật, Bảo tàng Hà Nội và Viện Khảo cổ học báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã thăm dò, khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất một tháng và có báo cáo khoa học gửi về Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian chậm nhất một năm.

Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín cho rằng, thành cổ Sơn Tây là đại diện cho một thời kỳ xây dựng thành lũy nhiều nhất ở Việt Nam, trong bối cảnh các cuộc xâm chiếm thuộc địa diễn ra trên khắp trên thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm, thành cổ Sơn Tây hiện còn những dấu tích tốt nhất, minh chứng cho kỹ thuật xây dựng công trình quân sự phòng thủ ở phía Bắc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...