A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc 'chơi' với sơn mài truyền thống trong triển lãm 'Mạch ngầm'

Triển lãm “Mạch ngầm” cho thấy những sự bất ngờ từ hiệu quả mài giữa các lớp sơn; sự ẩn hiện, ngẫu hứng, tạo ra những hiệu ứng thú vị, lôi cuốn.

Ngày 7/12 tới đây, hoạ sĩ Công Quốc Thắng mang tới người xem 36 tác phẩm sơn mài truyền thống trong triển lãm “Mạch ngầm”.

Gắn bó với chất liệu sơn mài, mỗi hoạ sĩ lại theo đuổi một chủ đề sáng tác chính. Trong quá trình tìm hiểu về chất liệu sơn mài truyền thống với những cái tên trẻ tuổi, chúng ta bắt gặp Công Quốc Thắng.

cuoc choi voi son mai truyen thong trong trien lam mach ngam hinh 1

Triển lãm “Mạch ngầm” diễn ra tại Hanoi Aqua Central từ 7 đến 14/12/2024

“Chơi” với sơn mài, hoạ sĩ như một người kể chuyện, chúng ta đi từ tuổi thơ đến những sự chiêm nghiệm trưởng thành cùng các khái niệm di sản. Vật thể và phi vật thể, văn hoá và thực thể hội hoạ mỹ thuật nằm trong nó phần nào đã trở thành một con đường khơi gợi hoài niệm qua sự tái hiện chân thật của hoạ sĩ. Rất ngẫu hứng, trong trẻo mà cũng rất cội nguồn.

Công Quốc Thắng say mê với chất liệu truyền thống cũng như các biểu tượng văn hoá dân gian, lần theo những ký ức tuổi thơ với những hình ảnh con lân trong điệu múa lân, rối nước hay các biểu tượng văn hoá Champa. Những biểu tượng đó được anh hình ảnh hoá theo cảm quan hội hoạ của mình và cho ra đời loạt tác phẩm đậm sắc màu truyền thống.

Trong tranh của Công Quốc Thắng, chất liệu giao thoa văn hoá giữa các thế hệ từ trẻ thơ đến nhà nông làm ruộng, thụ hưởng đời sống giải trí tinh thần hay các biểu tượng lâu đời hiện lên rất rõ nét.

cuoc choi voi son mai truyen thong trong trien lam mach ngam hinh 2

Tác phẩm Thần Nông (sơn mài truyền thống, 100 cm x 120 cm)

Theo Công Quốc Thắng, chất liệu sơn mài khi hoàn thành có vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng nhưng khi thực hiện các bước thì rất mộc mạc, chất phác. Nó như có sự tương đồng giữa các biểu tượng văn hoá dân gian Việt Nam xuất phát từ tín ngưỡng tôn giáo, các loại hình giải trí, lễ hội lâu đời hay truyền thống văn minh lúa nước trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Khi sáng tác, anh làm theo sự tuôn chảy của ý tưởng, của sắc màu hiện ra khi mài chứ không áp đặt ngay từ đầu tranh phải thế nào. Sự ngẫu hứng đó làm cho tranh rất nhẹ, rất khoáng đạt.

 

Công Quốc Thắng chia sẻ, với triển lãm lần này, anh đã tìm thấy những sự bất ngờ từ hiệu quả mài giữa các lớp sơn; sự ẩn hiện, ngẫu hứng, tạo ra những hiệu ứng thú vị, lôi cuốn, chứ không còn chỉ nằm trong những phô diễn kỹ thuật sơn mài.

Trên các tác phẩm trừu tượng thì sự tự do, phóng khoáng thể hiện rõ hơn, tạo cho người xem những trải nghiệm mới, bí ẩn và huyền bí, phải nghĩ theo nhiều cách khác nhau để lý giải một bức tranh.

cuoc choi voi son mai truyen thong trong trien lam mach ngam hinh 3

Tác phẩm Giấc mơ Trạng Nguyên (sơn mài truyền thống, 80 cm x 120 cm)

“Mạch ngầm” phảng phất đan xen giữa quá khứ và hiện tại, có sự giao thoa văn hoá giữa các thế hệ. Với bút pháp khéo léo kết hợp với kỹ thuật nhuần nhuyễn về sơn mài, cách dùng gam màu nóng lẩn chìm tinh tế nên rất “thắm”, các đường nét tạo thêm không gian mộc mạc và duyên, cùng với độ rung và sâu trong thủ pháp cái nét, Công Quốc Thắng dẫn dắt người xem đi thật xa rồi lạc vào giữa thế giới thật và giả để đem đến sự thăng hoa cảm xúc.

Qua các tác phẩm, Công Quốc Thắng cũng tâm niệm sẽ lưu trữ được nét văn hoá dân gian đặc trưng của dân tộc và đem hơi thở thời đại thổi hồn vào tác phẩm.

Triển lãm “Mạch ngầm” diễn ra tại Hanoi Aqua Central (số 44 Yên Phụ, Hà Nội) từ 7 đến 14/12/2024.

Thế Vũ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...