A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Nhà ma ám" ở Hong Kong: Nỗi khiếp sợ của người này nhưng lại là món hời của kẻ khác

Những căn hộ đã từng xảy ra án mạng hay có tin đồn "ma ám" khiến nhiều người rùng mình không dám ở vì cho là chứa năng lượng xấu nhưng lại đem về món hời cho 1 số người.

"Nhà ma ám" giảm giá do mê tín

"Nhà ma ám" ở Hong Kong: Nỗi khiếp sợ của người này nhưng lại là món hời của kẻ khác - Ảnh 1.

Phía bên căn nhà được cho là "ma ám" ở Hong Kong (Trung Quốc), có thể thấy tường đã bị bôi vẽ bậy bạ

Ở Hong Kong (Trung Quốc), ngôi nhà từng xảy ra án mạng thường rất khó bán. Mọi người đồn bất cứ ai sống ở nhà đó đều không gặp thuận lợi trong cuộc sống. Nếu một căn hộ từng xảy ra một vụ giết người hay có ai đó chết bất thường, căn hộ sẽ bị gắn mác "ma ám", kéo theo đó là giá thuê nhà giảm xuống khoảng 20%. Không chỉ vậy mà căn bên cạnh cũng có thể bị ảnh hưởng theo, giá giảm trung bình từ 7-10%.

Ở Hong Kong, có rất nhiều địa điểm được xem là bị "ma ám" nổi tiếng và gắn liền với nhiều truyền thuyết đô thị, ví dụ như căn hộ Dragon Lodge. Một số người cố tình giấu chuyện án mạng trong quá khứ để căn nhà bán được giá. Về phía người thuê, họ sẵn sàng kiện tụng chủ nhà nếu không thông báo trước cho họ về lịch sử ngôi nhà, bởi luật pháp đã quy định đại lý bất động sản phải tiết lộ thông tin này. Vào năm 2001, một đơn vị môi giới bất động sản đã bị kiện vì không thông báo cho khách hàng về cái chết của một cậu bé bốn tuổi. Đứa bé này ngã từ ban công căn hộ một năm trước đó.

Vấn đề của căn hộ "ma ám" là sự kết hợp giữa nỗi ám ảnh mua nhà ở Hong Kong với một cộng đồng người Hoa có xu hướng mê tín và tin vào các quy luật phong thủy.

Một căn hộ "ma ám"căn hộ "ma ám" không chỉ kéo giá những căn hộ còn lại trong cùng tầng đi xuống mà còn có thể làm giảm giá trị của các căn hộ nằm ở tầng trên lẫn tầng dưới nó, theo những nhân viên môi giới bất động sản.

"Nhà ma ám" ở Hong Kong: Nỗi khiếp sợ của người này nhưng lại là món hời của kẻ khác - Ảnh 2.

Một góc chụp khác của tòa nhà

"Chúng tôi sống ở một xã hội theo truyền thống Trung Quốc. Đối với không ít người, căn hộ 'ma ám' tạo ra rào cản tâm lý vì họ không cảm thấy thoải mái khi sống giữa nơi được cho là xui xẻo", một nhân viên môi giới bất động sản giấu tên cho hay.

Khi định giá tài sản để cho vay thế chấp, các ngân hàng ở Hong Kong cũng cần phải tính toán đến sự cố tương tự. Các đại lý bất động sản ở địa phương thì nắm giữ danh sách của các tòa nhà đặc biệt, phòng trường hợp có người cần tìm hoặc cần tránh những tòa nhà này.

Utpal Bhattacharya, một giáo sư tài chính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, đã nghiên cứu tác động của những nhận thức mê tín đối với giá bất động sản tại đất nước này. Người nước ngoài thường ít bị ảnh hưởng bởi những niềm tin về nhà ma ám so với người Hong Kong, nhưng Bhattacharya cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy giá nhà ở Mỹ, Anh và Úc giảm 25% nếu ngôi nhà có liên quan đến giết người và tự sát. Né tránh nhà có năng lượng xấu là một tâm lý rất phổ biến.

Khả năng là do tâm lý mê tín của một số người, họ thích thêu dệt chuyện kỳ bí và gắn chuyện đó với những căn nhà trống. Có những phụ huynh kể chuyện tâm linh cho trẻ em để ngăn chúng phá phách, nghịch ngợm.

Ở Hong Kong, số lượng nhà bỏ hoang nhiều đến mức người ta lập nhóm Facebook riêng cho để lưu lại những ngôi nhà này, vì thế mà các câu chuyện ma lại "có đất" để phát triển.

Nhà ma ám: Món hời không thể bỏ qua

Hồi đầu năm nay, một công ty khởi nghiệp tại Hong Kong, spacious.hk đã tận dụng nỗi sợ văn hóa để xây dựng một mô hình kinh doanh độc nhất: bán hoặc cho thuê tòa nhà được cho là bị "ma ám" cho người trẻ hoặc người nước ngoài - nhóm người ít e ngại hơn so với người lớn tuổi ở Hong Kong. Nhà sáng lập Asif Ghafoor và nhóm của anh đã lưu giữ cơ sở dữ liệu và bản đồ về những nơi xảy ra những cái chết thương tâm tại các khu nhà ở Hong Kong, đồng thời hạ giá cho thuê những căn hộ bị ma ám này để bán hoặc cho thuê.

Một cuộc khảo sát mới của Citibank cho thấy có nhiều người sẵn sàng gác niềm tin mê tín dị đoan sang một bên nếu họ có được một thỏa thuận giá rẻ. Hơn 40% sẽ cân nhắc một cách nghiêm túc việc mua một ngôi nhà mang hơi hướng tâm linh, hơn 70% tin rằng mức chiết khấu nên là 30%.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), ngày càng nhiều người bất chấp quá khứ rùng rợn sẵn sàng bỏ tiền ra mua những căn hộ có án mạng hay lời nguyền bị ma ám. Tất nhiên, với lịch sử không mấy tốt đẹp, người bán căn hộ này phải chấp nhận giảm giá cho khách mua. 

Người Trung Quốc luôn coi trọng yếu tố phong thủy trong nhà cửa bởi "an cư" thì mới "lạc nghiệp". Trong tâm linh, người ta luôn tin rằng linh hồn của những người đã chết tại các căn hongza sẽ tiếp tục ở lại đó và ám những người mới đến.

Tất cả những yếu tố đó đã bị gạt sang một bên khi người ta đứng giữa lựa chọn: hoặc có một căn hộ kém may mắn hoặc tiếp tục chật vật với kiếp ở thuê.

Cá ccò nhà đất ở Hong Kong không bị bắt buộc phải tiết lộ với người mua rằng căn hộ đó có "sạch" hay không. Họ chỉ bị giới hạn về mặt đạo đức và các quy tắc đã cam kết với cơ quan quản lý địa ốc.

Nhu cầu nhà ở ngày càng tăng và sự thay đổi quan niệm của những người trẻ đã kéo theo sự biến đổi ở nhiều lĩnh vực khác.

Theo Reuters, trước đây các ngân hàng ở Hong Kong, kể cả ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Hong Kong, đều rất ngại cung cấp các khoản vay với thế chấp là những căn nhà kiểu này. Họ lo sợ trong trường hợp con nợ mất khả năng chi trả thì cũng khó thu hồi bởi chẳng ai thèm mua các căn hộ "ma ám" như thế.

Nhưng thời thế bây giờ đã khác. "Khi ngày càng nhiều người muốn mua các căn hộ ma ám như thế, các ngân hàng đã bắt đầu cảm thấy tự tin hơn", Ivy Wong - giám đốc điều hành một công ty cho vay tín chấp, nhận định.

"Tôi không sợ gì cả", Jenny Yuen, người gần đây thuê một căn hộ "ma ám", nói. "Ai rồi chẳng phải chết. Đấy là điều hết sức tự nhiên".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...