A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xét tuyển bằng học bạ yêu cầu bắt buộc phải là điểm tổng kết cả năm lớp 12

Tình trạng xét tuyển đại học dựa vào kết quả tổng kết nhưng không căn cứ điểm tổng kết của học kỳ II lớp 12 dẫn tới tình trạng chưa học xong phổ thông đã trúng tuyển đại học cũng như tình trạng sao nhãng học tập ở những tháng cuối cấp.

Thời gian qua, nhiều trường tổ chức tuyển sinh sớm, trong đó áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, tuyển sinh dựa vào kết quả tổng kết học bạ.

Do, thời điểm tuyển sinh khi học sinh chưa học xong lớp 12 nên, thường không dựa vào kết quả học tập của học kỳ II của lớp 12. Điều này dẫn đến việc, nhiều học sinh chưa học xong chương trình đã biết mình đậu đại học nên sao nhãng việc học.

Chính vì thế, trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định để điều chỉnh.

xet tuyen bang hoc ba yeu cau bat buoc phai la diem tong ket ca nam lop 12 hinh 1

Việc siết chặt vấn đề tuyển sinh đại học là việc nên làm trong bối cảnh nhiều trường cố tình vơ vét thí sinh, chạy theo số lượng mà bỏ quyên chất lượng (ảnh Trinh Phúc).

Theo đó, Bộ trao quyền cho cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo.

Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.

Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

 

Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác):

Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm;

Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm;

Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.

Cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích).

Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và việc quy đổi tương đương điểm xét, điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm.

Với những quy định trên, tác động lớn nhất thuộc về các chuyên ngành hot của Top đầu.

Bởi nhiều năm lại đây, các trường ưu tiên xét tuyển sớm và xét tuyển bằng các phương thức khác nhau, dẫn đến chỉ tiêu cho xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp giảm.

Điều này, ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh nơi không có điều kiện để tham gia các kỳ thi riêng. Đó cũng là lý do, điểm chuẩn nhiều ngành đạt gần tuyệt đối, một số thủ khoa tổ hợp xét tuyển còn trượt nguyện vọng 1.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...