A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xét học bạ là gì? Lợi ích gì cho hàng vạn thí sinh trước cánh cổng vào đại học năm 2023?

Xét học bạ là phương thức tuyển sinh đại học dựa trên kết quả điểm của 3 năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Phương thức xét tuyển học bạ mang lại nhiều lợi ích và là cơ hội lớn cho thí sinh bước vào cánh cửa đại học.

Xét học bạ là gì?

Xét học bạ là phương thức tuyển sinh đại học được tính dựa theo kết quả điểm của 3 năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 dựa vào tổ hợp môn khi xét tuyển.

Xét tuyển học bạ 2023 tạo điều kiện cho các thí sinh không bị áp lực khi ôn tập, khi thi cử. Phương thức xét tuyển học bạ mở ra cơ hội lớn cho các học sinh có kết quả học tập cấp 3 nổi bật khi thi bước vào cánh cổng đại học.

Lợi ích của phương thức xét học bạ

Hiện nay, xét tuyển học bạ không còn là phương thức xa lạ với nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước.

Phương thức xét tuyển học bạ có nhiều ưu điểm như:

– Giảm áp lực thi cử: Tiêu chí để xét học bạ chính là kết quả học tập bậc THPT, có thể là từ lớp 10 đến lớp 12 hoặc chỉ xét riêng lớp 12. Khi đối diện với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhiều thí sinh sẽ cảm thấy áp lực và có thể không gặp may mắn trong thi cử nên điểm thi không như ý muốn. Lúc này, thí sinh còn có sử dụng phương thức xét học bạ. Với phương thức xét học bạ, các thí sinh sẽ dễ dàng nắm bắt cơ hội vào ĐH bằng những tổ hợp môn thế mạnh của mình.

– Tăng cơ hội trúng tuyển ĐH: Hiện nay, hầu hết các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển học bạ, không chỉ đơn thuần là điểm thi THPT quốc gia. Vì vậy, thí sinh cũng có quyền sử dụng thêm các phương thức khác nhau để tăng cơ hội vào ĐH. Xét tuyển học bạ và xét điểm thi THPT quốc gia là 2 phương thức hoàn toàn độc lập, không ảnh hưởng lẫn nhau. Thí sinh có thể trượt phương thức xét điểm thi THPT nhưng lại có thể đỗ bằng phương thức xét tuyển học bạ. Khi trúng tuyển sinh viên dù là xét tuyển học bạ hay điểm thi THPT, hay tuyển thẳng… đều được thụ hưởng chương trình học và quyền lợi học tập giống nhau.

– Có cơ hội nhận được học bổng nếu học bạ "đẹp": Ở nhiều trường, điểm học bạ "đẹp" còn giúp thí sinh có cơ hội nhận được nhiều suất học bổng đầu vào giá trị, điều này sẽ giảm phần nào gánh nặng kinh tế khi nhập học.

– Thủ tục, hồ sơ xét tuyển đơn giản với thời gian xét tuyển linh động theo các đợt tuyển sinh do trường quy định.

Xét học bạ là gì? Phương thức mang lại lợi ích gì cho thí sinh khi bước vào cánh cổng đại học? - Ảnh 2.

Xét tuyển học bạ tạo điều kiện cho các thí sinh không bị áp lực khi ôn tập, khi thi cử. Ảnh minh họa: TL

Điều kiện tiên quyết để được xét học bạ

Điều kiện để được xét tuyển học bạ đó là thí sinh phải tốt nghiệp THPT, điểm của từng môn trong tổ hợp ba môn phải cao hơn mức điểm theo tiêu chí mà trường đại học đã công bố.

Năm 2023, điều kiện xét tuyển học bạ của mỗi trường sẽ khác nhau, về cơ bản có các hình thức xét tuyển như sau: Xét học bạ dựa trên kết quả học tập năm lớp 12; Xét học bạ dựa trên điểm trung bình học tập của cả 3 năm học THPT của thí sinh; Xét học bạ dựa trên tổng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đại học; Xét học bạ dựa trên điểm trung bình cả 3 năm học THPT của từng môn trong tổ hợp xét tuyển đại học; Xét học bạ dựa trên 5 học kỳ THPT.

Hồ sơ xét học bạ gồm những gì?

Hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét học bạ khá đơn giản, dễ dàng không phức tạp như xét tuyển nguyện vọng. Các thí sinh đăng ký hồ sơ xét tuyển học bạ chỉ cần photo công chứng một số giấy tờ cơ bản sau:

– Đơn đăng ký xét tuyển (có mẫu của từng trường).

– Bản photo học bạ công chứng.

– Bằng tốt nghiệp THPT hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời (bản photo chứng thực).

– Chứng minh thư nhân dân (bản photo chứng thực).

– Giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).

– Phong bì dán sẵn tem và ghi đầy đủ địa chỉ liên lạc, số điện thoại của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.

– 04 ảnh 3×4.

– Lệ phí xét tuyển (tùy từng trường).

Các thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển học bạ bằng đường bưu điện hoặc đến trực tiếp các địa điểm nhận hồ sơ của trường. Thời gian xét tuyển học bạ cũng linh động, tùy thuộc vào mỗi trường. Hầu hết các trường chia làm 2 đợt nhận hồ sơ tuyển sinh: tháng 6 – tháng 8 và tháng 9 – tháng 11.

Thời gian xét học bạ vào đại học như thế nào?

Đối vời thời gian đăng ký xét tuyển học bạ mỗi năm sẽ khác nhau. Tùy vào điều kiện, phương thức xét tuyển, thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp THPT mà các trường cao đẳng, đại học sẽ đưa ra các mốc thời gian xét tuyển khác nhau.

Đối với học sinh lớp 12, nộp hồ sơ xét tuyển học bạ có thể nộp trước ngày 20/7. Bên cạnh đó, nhiều trường sẽ tổ chức xét tuyển các đợt bổ sung nếu còn thiếu chỉ tiêu. Vì vậy, thí sinh có thể cập nhật tin tức tại các các trang website của trường, để có thông tin chính xác nhất về thời gian xét tuyển học bạ.

Thời gian xét học bạ hiện chưa xác định được mốc thời gian cụ thể. Nó phụ thuộc vào điều kiện, thời gian tuyển sinh của các trường.

Cách tính điểm xét học bạ năm 2023

Một số cách tính điểm xét học bạ năm 2023 đang được nhiều trường ĐH đưa ra như sau:

Cách tính điểm xét học bạ THPT 5 học kỳ: Xét tuyển dựa vào điểm trung bình môn 5 học kỳ (bao gồm 2 học kỳ năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển ứng với ngành do thí sinh đăng ký.

Điểm mỗi môn (gọi là Điểm M) được tính bằng trung bình cộng của điểm trung bình môn trong 5 học kỳ (làm tròn đến 2 chữ số thập phân).

Công thức tính Điểm M như sau:

Điểm M = (ĐTB môn HK1 lớp 10 + ĐTB môn HK2 lớp 10 + ĐTB môn HK1 lớp 11 + ĐTB môn HK2 lớp 11 + ĐTB môn HK1 lớp 12)/5.

Cách tính điểm xét học bạ THPT 6 học kỳ: Tính điểm xét học bạ THPT 6 học kỳ dựa trên điểm trung bình của 6 học kỳ từ lớp 10 đến lớp 12. Công thức tính điểm xét tuyển học bạ trong 6 học kỳ được tính như sau:

Điểm M = ĐTB môn HK1 lớp 10 + ĐTB môn HK2 lớp 10 + ĐTB môn HK1 lớp 11 + ĐTB môn HK2 lớp 11 + ĐTB môn HK1 lớp 12 + ĐTB môn HK2 lớp 12)/6.

Cách tính điểm xét học bạ trung bình theo từng môn

Công thức tính: Điểm xét tuyển = (Điểm tổng kết môn 1 + Điểm tổng kết môn 2 + Điểm tổng kết môn 3)/3.

Cách tính điểm xét học bạ điểm trung bình 3 môn của 2 học kỳ lớp 12

Công thức tính: Điểm xét tuyển = (Điểm HKI môn 1 + Điểm HKII II môn 1)/2 + (Điểm HK I môn 2 + Điểm HK II môn 2)/2 + (Điểm HK I môn 3 + Điểm HK II môn 3)/2.

Xét học bạ là gì? Phương thức mang lại lợi ích gì cho thí sinh khi bước vào cánh cổng đại học? - Ảnh 3.

Thí sinh phải tốt nghiệp THPT là một trong những điều kiện để được xét tuyển học bạ. Ảnh: TL

Điểm chuẩn xét học bạ vào đại học như thế nào?

Điểm chuẩn xét tuyển là điểm nằm trong điều kiện xét tuyển của từng trường. Tùy vào ngành học, chỉ tiêu tuyển sinh mà các trường đại học sẽ đưa ra mức điểm tuyển sinh đầu vào khác nhau. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng trung bình môn (trong tổ hợp môn xét tuyển).

Ở một số trường cao đẳng, đại học sẽ xét điểm tổng trung bình môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải đạt 6.0 điểm trở lên hoặc điểm tổng 3 môn trong tổng hợp môn xét tuyển + điểm ưu tiên đạt từ 18.0 điểm trở lên.

Hơn nữa, điểm chuẩn xét tuyển các năm sẽ khác nhau. Do đó, thí sinh cần phải cập nhật thông tin liên tục để biết được điều kiện, hồ sơ, điểm xét tuyển chính xác nhất.

Những điều cần lưu ý khi đăng ký nguyện vọng bằng phương thức xét học bạ

– Dù là xét học bạ, thí sinh vẫn phải đảm bảo điều kiện là đỗ tốt nghiệp cấp 3.

– Xét tuyển học bạ và xét tuyển nguyện vọng là hai phương thức hoàn toàn độc lập nên thí sinh dù đã xét học bạ vào một trường thì vẫn có thể đăng ký nguyện vọng vào một trường khác; hoặc ở cùng một trường thì vẫn có thể đăng ký nguyện vọng vào một ngành khác, với một tổ hợp môn khác… Sĩ tử có thể đăng ký xét tuyển học bạ vào một trường dù không đăng ký nguyện vọng vào trường đó.

– Với phương thức xét tuyển học bạ không giới hạn số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Do đó, thí sinh có thể nộp hồ sơ vào nhiều ngành và nhiều trường khác nhau, vì đây là hình thức xét tuyển riêng. Nếu trúng tuyển nhiều ngành thì sẽ được chọn ngành yêu thích nhất.

– Tùy từng trường ĐH lại có cách thức xét tuyển học bạ riêng. Có trường năm trước xét học bạ nhưng năm nay lại không xét học bạ và cũng có trường năm ngoái không xét nhưng năm nay lại xét học bạ. Thí sinh cần tham khảo kỹ thông tin của từng trường trước khi quyết định.

– Ở một số trường ĐH, số lượng hồ sơ đăng ký phương thức xét học bạ rất lớn ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên. Ở đợt sau có thể điều kiện xét tuyển sẽ cao hơn. Do đó, thí sinh nộp hồ sơ càng sớm càng tốt để có khả năng trúng tuyển cao hơn.

– Để nắm chắc cơ hội trúng tuyển và không phí thời gian, thí sinh cần hiểu rõ kết quả học tập THPT của mình cũng như điều kiện xét tuyển của trường ĐH.

– Thí sinh cần chuẩn bị thật đầy đủ hồ sơ xét học bạ. Bởi nếu không nộp đủ giấy tờ cần thiết, hồ sơ của thí sinh có rất nhiều khả năng sẽ bị loại.

– Việc xét tuyển học bạ có số chỉ tiêu nhất định tùy từng trường, thí sinh nên đăng ký dự thi THPT quốc gia và dùng điểm thi xét tuyển ĐH để tránh trường hợp xét tuyển học bạ mà không đỗ.

Xét học bạ là gì? Phương thức mang lại lợi ích gì cho thí sinh khi bước vào cánh cổng đại học? - Ảnh 4.

Khi trúng tuyển ĐH dù là xét tuyển học bạ hay điểm thi THPT, hay tuyển thẳng… thí sinh đều được thụ hưởng chương trình học và quyền lợi học tập giống nhau. Ảnh: TL

Phân biệt 2 phương thức xét học bạ và sử dụng kết quả thi THPT quốc gia

Đây là 2 phương thức hoàn toàn độc lập với nhau và không hề ảnh hưởng lẫn nhau. Thí sinh vừa có thể điền phiếu nguyện vọng vào trường A đồng thời gửi hồ sơ xét học bạ vào trường đó.

Thí sinh hoàn toàn có thể không đỗ trường A bằng xét học bạ nhưng lại đỗ bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Thí sinh có thể nộp hồ sơ xét học bạ ở nhiều trường khác nhau vì đây là hình thức xét tuyển riêng.

Thí sinh có thể đồng thời đỗ vào nhiều trường bằng kết quả thi và xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu đã nhập học và nộp cho trường Giấy chứng nhận kết quả thi, sẽ không được tiếp tục tham gia xét tuyển nữa.

Tuyển sinh đại học 2023: Vẫn áp dụng quy chế, quy trình như năm 2022

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, năm 2023, Bộ không ban hành quy chế tuyển sinh mới.

Theo đó, công tác tuyển sinh vẫn áp dụng quy chế, quy trình như năm 2022, nhằm tạo ổn định về tâm lý cho thí sinh, giúp các em có sự chuẩn bị tốt nhất trong học tập.

Nhấn mạnh, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Bộ sẽ tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Theo đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền Hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...