Trường học Ấn Độ đóng cửa hơn 600 ngày: Những nguy cơ đáng lo ngại
Con trai của cô Dharini Mathur vừa tròn 4 tuổi khi bắt đầu học mẫu giáo trực tuyến.
Hơn 600 ngày sau, cậu bé vẫn ngồi sau màn hình máy tính để học từ xa và không được tiếp xúc với giáo viên và bạn bè của mình. Cậu bé trên là một trong số hơn 4 triệu trẻ em ở thủ đô Delhi của Ấn Độ bị buộc phải học từ xa do đại dịch Covid-19.
Sự thận trọng quá mức?
Theo cô Mathur, việc đóng cửa hàng loạt đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập của trẻ em. “Bọn trẻ không tới trường, không tương tác với bạn bè. Sự cô lập này kéo theo sự phát triển bị kìm hãm, thực sự khá nghiêm trọng”, cô nói.
Chính quyền Delhi đã ra lệnh đóng cửa trường học vào tháng 3/2020 khi các ca mắc Covid-19 bắt đầu lan tràn khắp đất nước. Trong gần 2 năm, phần lớn các trường ở đây vẫn tiếp tục đóng cửa.
Các trường học ở Delhi nằm trong số những trường đóng cửa lâu nhất thế giới. Đối với một thành phố có sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các tầng lớp dân cư, tình trạng sa sút học tập kéo dài của trẻ dẫn đến những lo ngại về sự nghèo đói sẽ gia tăng, giảm khả năng kiếm thu nhập, dẫn đến căng thẳng về tinh thần và thể chất cho hàng triệu người.
Chỉ riêng ở Delhi, hàng trăm nghìn trẻ em từ các cộng đồng có thu nhập thấp hơn có nguy cơ không được tiếp cận với giáo dục. Các em sống ở cộng đồng gồm những người không đủ tiền mua máy tính xách tay và sống trong môi trường chật chội và mất vệ sinh.
Vào tháng 8 năm ngoái, cô Mathur kiến nghị chính quyền bang mở lại trường học. Gần 6 tháng sau, nhà chức trách New Delhi mới thảo luận về khả năng mở cửa trường học trở lại. Tuy các quan chức đồng ý nới lỏng một số biện pháp chống dịch, bao gồm hủy bỏ lệnh giới nghiêm cuối tuần và mở cửa văn phòng chính phủ, nhưng các trường học vẫn đóng cửa.
“Chúng tôi đóng cửa trường học khi không bảo đảm an toàn cho trẻ em nhưng sự thận trọng quá mức hiện đang gây hại cho các em. Một thế hệ trẻ em sẽ bị tụt hậu nếu chúng ta không mở trường học ngay bây giờ”, Phó Thị trưởng Delhi Manish Sisodia cho biết.
Đóng cửa trường học lâu nhất châu Á
Ấn Độ chỉ đứng sau Uganda về thời gian đóng cửa trường học. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ đã đóng cửa trường học trong 82 tuần, tức 574 ngày, từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2021. Trong khi đó, Uganda đóng cửa trường học trong 83 tuần. Tuy nhiên, việc đóng cửa trường học ở Ấn Độ không đồng nhất trên toàn quốc vì mỗi bang chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp của riêng mình.
Sau lần đóng cửa đầu tiên vào tháng 3/2020, các trường học ở Delhi vẫn đóng cửa trong thời gian còn lại của năm học. Họ mở cửa trở lại một thời gian ngắn vào đầu năm 2021 nhưng lại bị buộc phải đóng cửa khi Ấn Độ trải qua làn sóng dịch thứ 2 kinh hoàng vào tháng 4 năm ngoái.
Các trường học mở cửa trở lại vào tháng 11/2021 khi tình hình ổn định nhưng sau đó lại đóng cửa vào tháng 12 do ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ngoài ra, số ca mắc Covid-19 biến thể Omicron đã khiến họ phải đóng cửa vào tháng 1.
Theo người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Teach For India, bà Shaheen Mistri, hậu quả thật “thảm khốc”.
Theo bà, tác động của việc trên diễn ra ở nhiều cấp độ, nhưng rõ ràng nhất là mất khả năng học tập. 10% trẻ em ở các trường công lập tại Delhi bỏ học vì đại dịch và tác động kinh tế của nó đối với các gia đình nghèo hơn.
“Tình trạng tảo hôn, bạo lực với trẻ em gia tăng và thiếu dinh dưỡng là một vấn đề rất lớn vì nhiều trẻ em phụ thuộc vào bữa ăn ở trường. Thực tế là chúng tôi sắp đóng cửa 2 năm học. Bọn trẻ đã mất quá nhiều trong học tập” – bà Mistri cho biết.
Nhưng vấn đề không chỉ giới hạn ở các thành phố. Một cuộc khảo sát năm 2021 đối với 1.400 hộ gia đình do tổ chức phi chính phủ Road Scholarz tiến hành cho thấy chỉ 8% trẻ em ở vùng nông thôn Ấn Độ học trực tuyến thường xuyên, trong khi 37% hoàn toàn không học gì, phần lớn là do không có máy tính và điện thoại thông minh.
Trẻ em gái còn bị thiệt thòi hơn. Ước tính có khoảng 10 triệu nữ sinh trung học ở Ấn Độ có thể bỏ học vì đại dịch, khiến các em có nguy cơ rơi vào đói nghèo, tảo hôn, bị buôn bán và đối mặt với bạo lực.
“Chúng tôi cần chuẩn bị cho tác động rất lâu dài của việc này” – bà Mistri nói.
Cần mạnh dạn mở cửa trường học
“Chúng ta cần có những hành động mạnh dạn để tạo điều kiện cho mọi trẻ em trở lại trường học. Điều này bao gồm việc cung cấp hỗ trợ toàn diện, đặc biệt là tập trung vào trẻ em bị thiệt thòi trong mỗi cộng đồng. Chẳng hạn như các lớp học thêm giúp học sinh theo kịp chương trình, hỗ trợ về sức khỏe tâm thần và dinh dưỡng, bảo vệ và các dịch vụ quan trọng khác” – UNICEF cho biết trong một tuyên bố.
Tháng 9/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, việc đóng cửa trường học có “những tác động tiêu cực rõ ràng đến sức khỏe, giáo dục và sự phát triển của trẻ em”.
Theo WHO, trẻ em và thanh thiếu niên thường có các triệu chứng nhẹ và ít có khả năng bị Covid-19 nặng hơn so với người lớn. Từ tháng 12/2019 đến tháng 10/2021, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 2% số ca mắc Covid-19 toàn cầu được báo cáo. Trong khi đó, tỷ lệ này ở trẻ em từ 5 - 14 tuổi là 7% – WHO cho biết trong một tuyên bố vào tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên, các biến thể mới có khả năng lây nhiễm lạnh như Omicron đang khiến thế giới lo ngại những rủi ro mà trẻ em phải đối mặt trong lớp học và khả năng trở thành đối tượng làm lây lan virus.
Trong những tháng gần đây, Anh cùng một số khu vực châu Âu và Mỹ đều chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng lên ở trẻ em liên quan tới Omicron. Sự gia tăng này đã đe dọa phá vỡ các kế hoạch mở cửa trường học trở lại.
Tại Ấn Độ, theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (ICMR) do chính phủ điều hành, đã tiến hành khảo sát huyết thanh học tháng 7/2021 và cho thấy hơn 2/3 dân số có thể đã có một số mức độ miễn dịch chống lại Covid-19. Trong khi đó hơn 43 triệu em trên 15 tuổi đã được tiêm vắc-xin liều đầu tiên.
Trong khi các trường học ở các bang khác tại Ấn Độ dần mở cửa trở lại thì các lớp học ở Delhi vẫn đóng cửa. Phó Thị trưởng Sisodia của Delhi cho biết, học trực tuyến không bao giờ có thể thay thế được học trực tiếp. Ông cho rằng trong thời gian có dịch, “ưu tiên của chúng tôi là sự an toàn của học sinh nhưng việc mở cửa lại trường học cũng rất quan trọng”.