A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trao quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường được không?

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến trao lại quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường từ năm học 2024-2025 đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Sự điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tiêu cực, bất cập, giúp học sinh được tiếp cận với cuốn sách phù hợp với năng lực, điều kiện dạy học thực tế của nhà trường, từ đó chất lượng dạy và học cũng được nâng lên.

Trao quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường được không? - Ảnh 1.

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) trao đổi về sách giáo khoa mới. Ảnh: Nguyễn Quang

Hai điểm mới đáng chú ý

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Có 2 điểm mới đáng chú ý tại dự thảo thông tư đang thu hút sự quan tâm của xã hội.

Điểm mới đầu tiên là quy định mỗi nhà trường có một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do hiệu trưởng trường phổ thông hoặc giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành lập. Quy định hiện hành tại Thông tư số 25/2020/ TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo là UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.

Điểm mới thứ hai là quy định hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường có thêm thành phần là đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Các thành phần còn lại gồm đại diện cán bộ, tổ chuyên môn, giáo viên. Tổng số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 11 người.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang thực hiện đến năm thứ tư, song đã có hai lần điều chỉnh quyền lựa chọn sách giáo khoa. Cụ thể, năm học 2020-2021 - năm đầu tiên triển khai chương trình mới đối với lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao các nhà trường thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Từ năm học 2021-2022 đến nay, việc lựa chọn sách giáo khoa tại địa phương do hội đồng của UBND cấp tỉnh quyết định.

Theo dự thảo vừa công bố, thì dự kiến từ năm học 2024-2025, việc lựa chọn, quyết định sách giáo khoa sẽ được “trả lại” cho nhà trường. Việc này được kỳ vọng sẽ hạn chế những bất cập từng xảy ra ở một số địa phương khi có hiện tượng danh mục sách được tỉnh duyệt không có sách giáo khoa mà trường đề xuất...

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương nhận định, dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo với quy định trao quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường là sự tiếp thu, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ đội ngũ nhà giáo. Việc này là phù hợp vì mỗi trường có điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và năng lực học sinh khác nhau. Được trao quyền tự chủ, mỗi nhà trường sẽ có trách nhiệm chọn sách giáo khoa nghiêm túc, phù hợp với học sinh, vì chính nhà trường sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy.

Bảo đảm tốt nhất quyền lợi của học sinh

Nói về quy định giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết, các nhà trường đều mong muốn được tự chủ nhiều hơn trong việc này. “Danh mục sách giáo khoa để nhà trường lựa chọn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Vì vậy, cuốn sách nào cũng đều bảo đảm chất lượng và bảo đảm mục tiêu về chuẩn kiến thức, kỹ năng. Vấn đề còn lại là nhà trường, trên cơ sở ý kiến đề xuất của giáo viên, chọn được cuốn sách giáo khoa ở từng môn học phù hợp nhất với học sinh của mình”, ông Nguyễn Văn Hậu nhận định.

Về cách thức triển khai, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, nhà trường tổ chức chọn sách theo đúng quy trình tại Điều 8 của Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Nhà trường họp với tổ trưởng chuyên môn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách do các tổ chuyên môn đề xuất; sau đó lựa chọn 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo quận danh mục do nhà trường đề xuất lựa chọn...

Ông Nguyễn Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn (quận Long Biên) bày tỏ, ông từng khá lo lắng khi tại nghị trường Quốc hội tháng 6 vừa qua, có đại biểu từng hoài nghi, cảnh báo hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường trong việc chọn sách giáo khoa. Với sự điều chỉnh này, không chỉ giáo viên mà cả phụ huynh cũng có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định chọn cuốn sách nào, bảo đảm sự công tâm, vì quyền lợi của học sinh.

Thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến góp ý còn kéo dài đến hết ngày 20-12-2023. Nếu được sự đồng thuận, dự thảo thông tư về lựa chọn sách giáo khoa sẽ được áp dụng từ năm học 2024-2025, tức là đối với sách giáo khoa của 3 khối lớp cuối cùng bắt đầu theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là lớp 5, 9 và 12.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đặt câu hỏi, với những cuốn sách của các lớp đã được UBND cấp tỉnh lựa chọn trong các năm vừa qua, nếu có ý kiến phản ánh chưa phù hợp, thì nhà trường có được chọn lại hay không?


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...