Trang bị cho học sinh kiến thức ứng xử học đường
Không chỉ trang bị tri thức, trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên tổ chức các nội dung sinh hoạt chuyên đề với nhiều hình thức hấp dẫn để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Để ngăn chặn bạo lực học đường, xây dựng tình bạn đẹp trong học sinh, trường THCS Giảng Võ vừa tổ chức chuyên đề kỹ năng ứng xử học đường.
Tham dự chuyên đề, Thiếu tá Lê Mạnh Cường và Thiếu tá Đinh Trung Dũng thuộc Tổ nghiên cứu Tội phạm học, Viện Khoa học cảnh sát của Học viện Cảnh sát Nhân dân đã chia sẻ, phổ biến tới các học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong ứng xử học đường.
Học sinh trường THCS Giảng Võ sôi nổi chia sẻ, bày tỏ quan điểm về ứng xử học đường |
Buổi sinh hoạt chuyên đề được triển khai với hai nội dung: Kỹ năng tự vệ để phòng tránh bạo lực học đường và cách ứng xử văn minh trên không gian mạng.
Bằng phương pháp gợi mở, Thiếu tá Lê Mạnh Cường đã đặt ra những câu hỏi để học sinh có nhận thức đúng đắn về bạo lực học đường, nguyên nhân và biểu hiện của nó. Các học sinh rất hào hứng, tự tin bày tỏ quan điểm, đưa ra cách giải quyết của mình nếu chứng kiến hoặc không may bị bạo lực học đường.
Thiếu tá Lê Mạnh Cường cũng xây dựng cho các em một tiểu phẩm nhỏ để hướng dẫn những biện pháp, cách giải quyết, kiềm chế cơn tức giận; không giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực hay bạo lực ngôn từ, thậm chí là những lời lẽ thiếu văn minh trên mạng xã hội; tránh để lại những hậu quả khôn lường.
Cũng tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Thiếu tá Cường đã nêu ra quy định của pháp luật về mức độ xử phạt, độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự khi gây ra tổn hại về thể chất và tinh thần cho người khác.
Đặc biệt, trong buổi sinh hoạt chuyên đề lần này, Thiếu tá Lê Mạnh Cường đã dành thời gian chia sẻ thêm với các em cách để tự bảo vệ bản thân mình, phòng chống bắt cóc; cách xử lý nếu không may rơi vào tình huống bị bắt cóc.
Cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ chia sẻ: “Với ý nghĩa thiết thực mà buổi sinh hoạt chuyên đề “Kỹ năng ứng xử học đường” mang lại, các học sinh sẽ có cái nhìn sâu hơn về cách ứng xử văn minh không chỉ trong trường học mà cả ở những nơi công cộng. Các em sẽ biết cách tự bảo vệ mình và người khác trước nguy cơ bạo lực học đường; đồng thời nâng cao văn hoá ứng xử trên mạng xã hội để cùng chung tay xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, hoà đồng, thân thiện”.