A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thí sinh cần làm gì để tăng cơ hội trúng tuyển đại học?

Giữa nhiều phương thức tuyển sinh như: Xét học bạ, kỳ thi riêng, tuyển thẳng, kết hợp xét tuyển… thí sinh cần làm gì để có sự lựa chọn chính xác, từ đó tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học?

Đa phương thức xét tuyển

Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm 2022, thí sinh phải đối mắt với rất nhiều phương thức xét tuyển riêng của các trường, trong đó, không ít trường vừa tổ chức thi riêng, vừa kết hợp xét tuyển.

Theo ghi nhận, đến thời điểm này đã có hơn 10 phương thức xét tuyển sẽ được các trường sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay như: Xét tuyển thẳng; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia; Xét tuyển học sinh giỏi; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT… Có những trường còn đồng thời áp dụng đến 7 phương thức bằng xét tuyển và tổ chức thi riêng.

Tính đến thời điểm này đã có hơn 10 phương thức xét tuyển sẽ được các trường sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay

Tính đến thời điểm này đã có hơn 10 phương thức xét tuyển sẽ được các trường sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay

Hai kỳ thi riêng phổ biến nhất trong năm nay là kỳ thi Đánh giá năng lực của đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội tổ chức và kỳ thi Đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Nhiều trường đại học top đầu, top giữa đã dành nhiều chỉ tiêu cho việc xét tuyển bằng kết quả của hai kỳ thi kỳ thi này.

Điển hình như ĐH Kinh tế quốc dân dành khoảng 80% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp theo Đề án tuyển sinh của trường dành cho những thí sinh có chứng chỉ SAT và ACT còn thời hạn (trong đó điểm SAT thí sinh phải đạt từ 1.200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên); Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022) của ĐH Quốc gia Hà Nội đạt từ 100 điểm trở lên hoặc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đạt từ 800 điểm trở lên); Thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022 đạt từ 20 điểm trở lên; Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL ITP hoặc TOEIC theo tiêu chí cụ thể) kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia…

Cũng có trường, ngoài một số phương thức xét tuyển còn tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực riêng như trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cụ thể các bài thi đánh giá năng lực của trường này gồm 8 môn đơn lẻ: Văn, Toán, tiếng Anh, Hóa, Sinh, Lý, Lịch sử, Địa lý. Tất cả các bài thi, thí sinh sẽ phải thi hai hình thức, trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, 7 môn (trừ môn Văn), thí sinh thi 70% trắc nghiệm, 30% tự luận. Còn môn Văn, thí sinh thi 30% trắc nghiệm, 70% tự luận...

Những điều thí sinh cần lưu ý

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, sự đa dạng các phương thức xét tuyển như trên không có nghĩa là các trường sử dụng tất cả các phương thức xét tuyển để xét tuyển vào một ngành hoặc một chương trình đào tạo, mà các trường sẽ xem xét, cân nhắc các phương thức xét tuyển để sao cho đánh giá, lựa chọn được những thí sinh phù hợp nhất với ngành, chương trình đào tạo.

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để lựa chọn phương án phù hợp

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH để lựa chọn phương thức phù hợp với mình

“Khi các trường có nhiều phương thức xét tuyển, thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn để đăng ký xét tuyển, thêm cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc thí sinh phải tìm hiểu để lựa chọn phương thức phù hợp với khả năng của bản thân, thực hiện thêm các thủ tục đăng ký xét tuyển”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.

Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: “Nếu quản lý không chặt chẽ, các trường ĐH sẽ lợi dụng quy định, đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau mà giảm đi phương thức xét tuyển có độ tin cậy cao như xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bị cắt giảm dẫn đến điểm chuẩn của phương thức này khá cao, tình trạng nhiều thí sinh điểm cao nhưng có thể vẫn trượt ĐH sẽ tiếp tục tái diễn. Do vậy, thí sinh cần phải tìm hiểu kỹ và có chiến lược đăng ký nguyện vọng phù hợp”.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển nhưng chỉ tiêu dành cho các phương thức được chia theo tỉ lệ khác nhau. Để tránh tình trạng bị rối khi tiếp cận cùng lúc nhiều phương thức khác nhau, thí sinh cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học để lượng sức xem phù hợp với phương thức nào nhất, từ đó có sự lựa chọn chính xác để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường, vào ngành học mà mình yêu thích.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết