Tạo thuận lợi nhất cho học sinh
Chuẩn bị cho năm học tới, UBND một số địa phương như Bình Dương, Khánh Hòa, Hưng Yên, Cao Bằng, Cần Thơ… đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023.
Ở nhiều tỉnh, thành khác, các sở GD&ĐT đang xúc tiến phương án tham mưu cho UBND.
Điểm chung nhất trong phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới là đa số các tỉnh, thành đều cố gắng giữ sự ổn định như năm cũ, có dự phòng tình huống phức tạp của dịch bệnh. Dù chưa công bố chính thức, nhưng Sở GD&ĐT TPHCM cũng cho biết, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, sở sẽ đề xuất tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức thi tuyển. Trong đó, cách thức thi, tính điểm tuyển sinh, chọn nguyện vọng lớp 10... cơ bản vẫn sẽ giữ nguyên như trước đây.
Một số tỉnh có đổi mới nhưng chủ yếu theo hướng có lợi cho học sinh. Chẳng hạn như Bình Dương, tại thời điểm xét tuyển, Giám đốc Sở GD&ĐT quy định về điều kiện xét trúng tuyển đối với những học sinh không thể tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 do bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan, như bệnh nặng phải nhập viện, do dịch bệnh, thiên tai...
Quy định này nhằm không để các em bị thiệt thòi khi xảy ra trường hợp bất khả kháng đúng vào thời điểm diễn ra kỳ thi. Việc tuyển sinh lớp không chuyên học chương trình song ngữ đối với môn Toán và Khoa học tự nhiên cũng được phụ huynh ủng hộ cao vì phù hợp với xu hướng hội nhập. Hay ở Khánh Hòa, năm học 2022 – 2023, học sinh Trường PTDT nội trú sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10…
Ở Cao Bằng, địa phương này đã điều chỉnh cách tính điểm thi để phù hợp với các môn học. Cụ thể, môn Toán và Ngữ văn sẽ không được tính hệ số 2, mà thay vào đó các môn thi đều tính hệ số 1. Cách làm này đang là xu hướng trong những năm gần đây, nhằm khẳng định tầm quan trọng của môn Ngoại ngữ, bởi đây là môn học quan trọng, nền tảng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Bên cạnh những phương án tuyển sinh được đánh giá cao, vẫn còn một số phương án đang khiến phụ huynh, học sinh trăn trở. Chẳng hạn, về số môn thi, nhiều phụ huynh cho rằng có nên thêm môn thứ tư hay không, khi đang có nhiều tỉnh, thành chỉ thi 3 môn và thường môn 3 là Ngoại ngữ? Về thời hạn công bố môn thi cuối cùng, có tỉnh, thành vẫn chậm, “kiên trung” bí mật đến phút 89, gần sát thời gian kết thúc năm học, tạo sự hồi hộp không đáng có cho học sinh. Đặc biệt, một số nơi vẫn tranh cãi giữa hai phương án thi tuyển hay xét tuyển…
Có nhiều lý do để lãnh đạo mỗi địa phương quyết định phương án thi cho học sinh. Dĩ nhiên, phương án nào cũng có mặt tích cực và hạn chế riêng. Tuy nhiên, cần thấy hoạt động dạy học của chúng ta đã và đang diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Năm học 2021 - 2022 học sinh phải học trực tuyến một thời gian dài nên khá áp lực, chất lượng dạy học bị ảnh hưởng. Do dịch bệnh, không ít em bị tác động không nhỏ về sức khỏe thể chất, tinh thần, thậm chí có em còn rơi vào nghịch cảnh mất người thân, kinh tế gia đình sa sút.
Bối cảnh đặc biệt đòi hỏi công tác tuyển sinh, thi cử cũng phải có những ứng xử đặc biệt. Thực tế cho thấy, thời gian qua, chia sẻ với khó khăn của học sinh phải học tập trong dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp giảm áp lực, đáng chú ý là việc giảm tải chương trình theo Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2021.
Tuyển sinh vào lớp 10 là một trong những sự kiện quan trọng, được đông đảo học sinh, phụ huynh quan tâm. Chọn phương thức thi, số môn thi, quyết định công bố môn thi thứ tư… sao cho phù hợp thực tế là điều các địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng. Phương án tuyển sinh tốt nhất phải là phương án căn cứ trên thực tế và vì quyền lợi học sinh, chứ không nên tạo thêm cho các em những áp lực không đáng có.