A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tâm tư trước thềm năm học mới

Năm học 2024 - 2025 đang đến gần, toàn ngành Giáo dục gấp rút chuẩn bị các điều kiện để có thể thực hiện thành công kế hoạch lớn cho năm học.

Cô trò Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) trong ngày tựu trường năm học 2023-2024. Ảnh minh họa: INT
Cô trò Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) trong ngày tựu trường năm học 2023-2024. Ảnh minh họa: INT

Ngoài chỉ đạo sát sao việc hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp, vấn đề then chốt là đảm bảo chất lượng cũng như số lượng đội ngũ giáo viên để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng học sinh trong năm học này.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc/1.600.000 giáo viên. Tính bình quân cứ 100 giáo viên có 1 người bỏ việc. Sang năm học 2022 - 2023, toàn quốc tiếp tục có hơn 19.300 giáo viên nghỉ hưu và bỏ việc, trong đó số người bỏ việc lên tới gần 9.300 người.

Còn theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, tính từ tháng 8/2023 - 4/2024, cả nước có thêm 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, số giáo viên bỏ nghề ở bậc mầm non lên tới 1.600 người; tỷ lệ giáo viên bỏ việc ở tuổi dưới 35 còn nhiều.

Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, nơi có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn. Trong bối cảnh các cấp học thiếu giáo viên đứng lớp, việc hàng nghìn người rời bỏ bảng đen phấn trắng càng tạo ra áp lực lớn cho ngành Giáo dục không chỉ trong năm học mới này, mà ảnh hưởng tới nhiều năm sau. Những câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này là, vì đâu lại có tình trạng giáo viên rời bỏ nghề giáo, một nghề mà xã hội luôn vinh danh là… cao quý? Và lời giải nào cho bài toán giữ chân các giáo viên?

tam tu truoc them nam hoc moi (1).jpg

Nhiều giáo viên mầm non nghỉ việc vì tiền lương không đủ trang trải cuộc sống. Ảnh minh họa: INT

Giải quyết dứt điểm chế độ, thu nhập

Một trong những nội dung được đông đảo nhà giáo quan tâm tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về cải cách, đãi ngộ.

Cụ thể là: “…Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Như vậy, về đường lối, chính sách đã được thông qua nhưng điều đội ngũ nhà giáo mong mỏi vẫn là triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận vào đời sống một cách kịp thời.

Chúng ta đang đề xuất và triển khai mô hình trường học hạnh phúc. Một mô hình thể hiện rõ tính nhân văn cho cả người dạy và người học. Ở đó, thầy cô và học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, hạnh phúc. Nhưng học sinh muốn hạnh phúc thì trước tiên giáo viên phải hạnh phúc. Và liệu giáo viên đã thật sự hạnh phúc chưa? Thầy cô không thể vui, không thể tạo được niềm vui cho lớp học khi sau giờ lên lớp là những lo lắng, tính toán nan giải về cơm áo gạo tiền, học phí của con cái, viện phí… bên cạnh nỗi lo về chất lượng học tập và hạnh kiểm của học sinh.

Từ 1/7/2024, lương của giáo viên mới nhận việc dù đã tăng cũng chỉ hơn 5.000.000 đồng/tháng. Một đồng nghiệp đang dạy một môn “phụ” trong trường THPT, nơi tôi đã giảng dạy gần 20 năm, chia sẻ rằng, ngoài giờ lên lớp, thầy mở thêm lớp dạy bơi để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Một đồng nghiệp khác đi dạy vài năm nay thì vừa bán hàng online trên mạng vừa gom hàng hóa ở quê để đưa lên trường bán. Cô bảo rằng: “Lương giáo viên mới ra trường thấp quá, chỉ khoảng hơn 5.000.000 đồng, không đủ sống, nói gì đến nuôi con, tích lũy!”.

Một thực tế đang hiện hữu nữa là, qua các nghiên cứu, tìm hiểu trước đây, nhóm giáo viên bỏ việc chủ yếu thuộc các vùng kinh tế phát triển như các thành phố lớn nhưng trong thời điểm hiện tại, nhiều người ở vùng nông thôn cũng bỏ việc, nhất là giáo viên dạy tại các trường mầm non. Nếu không có giải pháp kịp thời, nhà giáo, trong đó có giáo viên khối tiểu học, mầm non sẽ tiếp tục thiếu trầm trọng.

tam tu truoc them nam hoc moi (2).jpg

Có quá nhiều áp lực bủa vây giáo viên khiến nhiều thầy cô phải "gồng gánh" để bám trụ với nghề. Ảnh minh hoạ: INT

Đãi ngộ, trọng dụng giáo viên giỏi

Từ ngàn xưa, nhiều bậc minh quân, bác học đã đề cao vai trò của việc dùng người tài để phát triển đất nước. Lê Quý Đôn từng nhấn mạnh “Tôn tài thì đại thịnh, tôn nịnh thì đại nguy, tôn lộc thì đại suy”. Nguyễn Huệ cũng từng nói “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”.

Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.

Bác còn nói thêm “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Đó là nói đến việc trọng dụng người tài trong mọi ngành nghề nhưng với giáo dục thì việc trọng dụng nhân tài còn có tầm quan trọng đặc biệt.

Thời nay, nhiều giáo viên giỏi, yêu nghề vẫn còn chưa được trọng dụng. Đây không phải là hiện tượng phổ biến nhưng tồn tại khá lâu trong ngành Giáo dục mà chưa tìm được giải pháp tháo gỡ.

Đợt đi chấm thi tốt nghiệp THPT vừa qua - đợt chấm thi cuối cùng đối với các học sinh học Chương trình 2006, tôi có nghe được một câu chuyện buồn từ đồng nghiệp. Khi tôi hỏi thăm về công việc của chồng cô ấy - một thầy giáo dạy môn Vật lí thì mới biết rằng, chồng của đồng nghiệp đã bỏ nghề được hơn một năm nay.

Tôi rất ngạc nhiên vì anh là thầy giáo giỏi, gần như đã đạt được mọi thành tích cao trong quá trình giảng dạy như giáo viên dạy giỏi tỉnh, bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cao, sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành… Và đặc biệt, đây là giáo viên yêu nghề đã truyền cảm hứng yêu thích môn Vật lí đến nhiều thế hệ học trò.

Khi được hỏi về nguyên nhân, đồng nghiệp trầm ngâm một lúc rồi mới chia sẻ: Lương thấp không phải là nguyên nhân cơ bản, mà là năng lực bản thân không được động viên, ghi nhận kịp thời.

Tâm sự của đồng nghiệp cho thấy một thực tế cần nhìn nhận, nhiều giáo viên rời bỏ công việc là những giáo viên giỏi, yêu nghề. Nhưng chỉ vì họ dám đứng lên đấu tranh tiêu cực trong trường mà bị chèn ép, trù dập. Vụ việc cô giáo tại Bình Định tự tử và để lại lá thư tuyệt mệnh cách đây chưa lâu khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, đau xót là một minh chứng rõ cho điều đó.

Ở cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, họ chưa được trọng dụng, chưa được ghi nhận xứng đáng. Đó là vì cơ chế chính sách đãi ngộ của chúng ta chưa rõ ràng, mọi thứ vẫn mang tính cào bằng dẫn đến tình trạng giáo viên giỏi, cố gắng cũng như giáo viên thiếu nỗ lực; thậm chí ở một vài nơi, người giỏi còn bị chèn ép, không có điều kiện phát triển bản thân.

Gỡ áp lực cho thầy cô

Robert Horry có một câu nói rất hay, rằng: “Áp lực có thể làm vỡ ống, hoặc áp lực cũng có thể tạo ra kim cương”. Câu nói cho chúng ta thấy rõ hai mặt đối lập của việc con người khi phải đứng trước những áp lực lớn trong công việc cũng như cuộc sống. Trong giáo dục cũng thế, áp lực trong công việc nhiều khi sẽ tạo tinh thần nỗ lực cao cho thầy cô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tuy nhiên, áp lực nhiều cho những điều không cần thiết thì sẽ gây ra “vỡ ống” – làm mất đi sự sáng tạo, lòng nhiệt huyết, thậm chí dẫn đến tiêu cực bỏ việc ở một số thầy cô dạy giỏi. Áp lực để làm những việc hữu ích như đổi mới chương trình, phương pháp dạy học là cần thiết. Nhưng áp lực “vô bổ”, kiểu “bình mới rượu cũ” sẽ dẫn đến mất thời gian, năng lượng cho nhà giáo.

Qua nhiều chia sẻ của giáo viên mới thấy hiện nay, có quá nhiều áp lực bủa vây họ. Sức ép tứ bề khiến nhiều giáo viên phải “gồng gánh” để bám trụ với nghề. Áp lực phải làm tốt công việc, đảm bảo kế hoạch dạy học, kế hoạch thi đua mà nhà trường đã giao. Áp lực từ gia đình học sinh, những người luôn nâng niu con cái, trong khi ở lớp có thể là những cô cậu học trò ương bướng khó bảo. Áp lực từ những quan niệm của xã hội về nghề giáo... Áp lực phải đổi mới, áp lực khi nhiều học sinh không có tinh thần học tập và coi nhẹ môn học nên đôi khi tôi cũng rất căng thẳng.

Thực ra, giáo viên cũng là con người bình thường nhưng lại được mặc định là không được quyền phạm bất cứ sai lầm nào. Không chỉ là một nhà giáo, họ cũng là một thành viên trong gia đình nhỏ của mình và cũng cần lo lắng cho bố mẹ, vợ chồng, con cái, chịu gánh nặng cơm áo, gạo tiền, đời sống gia đình.

Với nhiều áp lực đổ dồn như vậy, lại cộng thêm bệnh thành tích, thi đua, khó tránh khỏi nên giáo viên là đối tượng dễ rơi vào mệt mỏi, khủng hoảng, thậm chí là tuyệt vọng không còn niềm tin vào cuộc sống. Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra đối với giáo viên trong thời gian qua ở khắp mọi nơi trên thế giới, câu chuyện sau đây chỉ là một trong số đó.

Bị phụ huynh học sinh gọi điện quấy rối, đe dọa, mạt sát suốt thời gian dài, thậm chí không được yên trong kỳ nghỉ, nữ giáo viên 23 tuổi chọn cách kết thúc cuộc đời. Sự việc đau lòng xảy ra tại một trường tiểu học ở Suha, Seoul, Hàn Quốc.

Nữ giáo viên 23 tuổi được học sinh và đồng nghiệp phát hiện đã tự tử trong lớp học của mình vài ngày trước, khi chuông báo vào học sắp sửa vang lên. Không có bức thư tuyệt mệnh nào được để lại tại hiện trường. Trong mắt các giáo viên dạy cùng trường, cô giáo này là người chăm chỉ và có tính cách tích cực, sáng nào cũng đến trường đúng giờ vào lúc 7 giờ 30 phút.

Ngành nghề nào cũng có áp lực nhưng với một ngành “bồi dưỡng tâm hồn” như nghề giáo thì thiết nghĩ những áp lực trên cần hạn chế tối đa. Muốn tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, hạnh phúc, thì trước hết, chúng ta cần phải cởi bỏ những chiếc “vòng kim cô” trên đầu cho nhà giáo. Có như vậy, giáo viên mới tiếp tục yêu và gắn bó lâu dài với nghề nghiệp mình đã chọn.

Năm học 2024 - 2025 diễn ra trong bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở các khối lớp cuối cấp nên vấn đề trung tâm là đội ngũ giáo viên cần được quan tâm đặc biệt.

Thiết nghĩ, nếu giải tốt ba bài toán cấp bách trên thì ngành Giáo dục sẽ thực hiện thắng lợi con đường “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” mà Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra và Kết luận số 91/2024 một lần nữa nhấn mạnh lại.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết