Sáng tạo, linh hoạt trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Các nhà trường từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo áp dụng nhiều phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh…
Nhiều mô hình hay đem lại hiệu quả thiết thực
Trong 5 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm luôn được chú trọng.
Giai đoạn 2018-2021, ngành Giáo dục quận đã triển khai, phát động và hưởng ứng tham dự 226 cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại các trường dưới hình thức sân khấu hóa; phát động 5 cuộc thi viết: Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tìm hiểu Bộ luật Hình sự; Thi viết mô hình giáo dục phát luật có hiệu quả cho thanh, thiếu niên; Thi viết tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật; Thi viết về Trường Sa với 46.562 lượt người tham gia.
Học sinh trường THCS Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) tham gia chuyên đề giáo dục pháp luật Sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh |
Điều đặc biệt, các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật.
Điển hình là trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, các trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với các hình thức: Thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hóa với các tiểu phẩm, trò chơi. Được phát động dưới hình thức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung phổ biến giáo dục pháp luật vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, công tác tuyên truyền đã đem lại những hiệu quả thiết thực…
Cùng với việc tuyên truyền lý thuyết, trong buổi ngoại khóa các thầy cô, báo cáo viên pháp luật còn tổ chức hỏi - đáp các câu hỏi dễ nhớ, dễ hiểu mà vô cùng thực tế, tổ chức các trò chơi “học mà chơi, chơi mà học” làm cho các em học sinh yêu thích và hào hứng tham gia.
Mới đây, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, các em học sinh trường THCS Đức Thắng đã được tham gia buổi tuyên truyền về pháp luật.
Tại buổi tuyên truyền này, ngoài việc được hiểu thêm về ý nghĩa Ngày Pháp luật Việt Nam, các em học sinh còn được các Luật sư trong Đoàn tuyên truyền các quy định về Luật An ninh mạng và được tham gia giao lưu, trả lời các tình huống pháp luật liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh, hiệu quả.
Với sự hưởng ứng đông đảo các em học sinh, rất nhiều câu hỏi và câu trả lời được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong nhận thức của học sinh.
Việc hiểu biết về Ngày Pháp luật Việt Nam sẽ giúp cho các em ý thức hơn về nhiệm vụ học tập, rèn luyện của mình tại nhà trường để qua đó giúp các em có suy nghĩ và hành động đúng đắn để trở thành con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Còn tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, học sinh Nguyễn Mạnh Hải chia sẻ: “Hằng năm, quận và nhà trường đều tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, được đổi mới qua mỗi năm. Em rất ấn tượng với các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật theo hình thức sân khấu hóa. Hình thức này vừa gần gũi, sinh động vừa dễ hiểu nên giúp chúng em hiểu rõ hơn các quy định pháp luật và tự giác thực hiện tốt trong cuộc sống hằng ngày”.
Không chỉ vậy, Ủy ban Nhân dân quận cũng hướng dẫn các nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng mô hình mới, phù hợp và hiệu quả trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục, pháp luật cho học sinh… Qua đó, các nhà trường đã có 4.160 bài tuyên truyền về pháp luật trên trang tin của đơn vị, 8.261 bài tuyên truyền trên loa truyền thanh của phường. Tuyên truyền qua các phương tiện trực quan như pano, áp phích, khẩu hiệu: Thực hiện các hoạt động tuyên truyền cổ động về Ngày Pháp luật qua hệ thống băng rôn, cờ, áp phích, khẩu hiệu tại các trường học trên địa bàn quận.
Ngăn chặn tệ nạn xâm nhập vào học đường
Với các hình thức đa dạng, trong 4 năm qua, các trường trên địa bàn quận đã tổ chức 5.026 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với 19.376 lượt người tham gia. Hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật đã tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, các chính sách, quy định mới, tác động, hiệu ứng của chính sách, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông đường bộ, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, xâm hại phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, chính sách an sinh xã hội.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học có vai trò quan trọng, hàng năm, Ủy ban Nhân dân quận đã chỉ đạo các trường học phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật trong các đơn vị, nhà trường. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, trực tiếp là Sở Tư pháp, Công an quận tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Theo đó, quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức quán triệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn từ 2017-2021 trên địa bàn quận và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án đến các nhà trường và cơ sở giáo dục. Triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến thanh thiếu niên như: Luật Trẻ em; Bộ luật Hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng chống ma túy; Luật Bảo vệ môi trường….tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, phụ huynh học sinh và học sinh trên địa bàn quận.
Bà Nguyễn Thị Tâm Luyến - Phó Trưởng phòng Tư pháp quận cho biết: “Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, trong đó tập trung tuyên truyền thông qua hình thức hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm vận động, giáo dục nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, viên chức, học sinh hướng tới cam kết chặt chẽ về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và chuyển đổi hành vi của người dân”.
Thực hiện chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận, các trường trên địa bàn quận tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho cán bộ giáo viên và học sinh thông qua việc xây dựng các tiểu phẩm, câu chuyện mang tính chất tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, từ đó chọn lọc những tác phẩm xuất sắc tuyên truyền rộng rãi trên internet, băng đĩa…
Công tác tuyên truyền góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống. Đồng thời, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.