Phụ huynh nhiều nước cũng đau đầu vì lạm thu
Ngoài học phí, nhiều trường phổ thông trên thế giới yêu cầu phụ huynh đóng thêm một số khoản chi như học thêm, đồng phục, hoạt động dã ngoại...
Nhiều phụ huynh 'đau đầu' với các khoản thu đầu năm học. |
Điều này làm gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục.
Khảo sát đầu năm 2023 của tổ chức Futurity Investment Group về chi phí giáo dục cho thấy Melbourne là thành phố chi tiêu cho giáo dục công lập đắt đỏ nhất Australia.
Dù hầu hết học sinh Melbourne được miễn học phí nhưng phụ huynh phải chi trả nhiều chi phí khác như các khoản đóng góp tự nguyện, thiết bị điện tử, đồng phục, học thêm... Do đó, chi phí giáo dục công lập ở Melbourne hiện lên tới hơn 102.000 AUD, cao hơn 17% so với mức trung bình toàn quốc là hơn 87.500 AUD.
Bà Kate Hill, đại diện tổ chức Futurity Investment, nhìn nhận những con số trên chứng minh rằng “không có giáo dục miễn phí” ở Australia. Tổng chi phí dành cho giáo dục công lập đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua do lạm phát.
Theo nghiên cứu, các khoản chi ngoài học phí đặc biệt tăng mạnh sau dịch Covid-19, khi học sinh cần được bổ sung kiến thức và kỹ năng mềm trong thời gian học trực tuyến. Các trường đã tổ chức nhiều hoạt động như đi dã ngoại, học tăng cường, cùng với đó là trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại, tân tiến. Gia đình học sinh phải đóng góp cho các khoản thu này vì chính quyền các bang không phân bổ đủ ngân sách về cho các trường công lập.
Để giải quyết tình trạng trên, chính quyền các tỉnh bang Australia đã đưa ra những biện pháp khác nhau. Đơn cử, bang Victoria tổ chức chương trình bữa ăn học đường miễn phí, gia sư miễn phí, trại hè miễn phí cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Học sinh nghèo cũng được tặng sách giáo khoa học tiếng Anh miễn phí.
Còn Sở Giáo dục bang New South Wales miễn toàn bộ học phí cho học sinh công lập và phân bổ 1,41 tỷ AUD cho các trường để khắc phục khó khăn trong học tập sau dịch
Covid-19. Đầu năm học, mỗi học sinh bang New South Wales được tặng một phiếu mua hàng trị giá 150 AUD để mua sắm đồ dùng học tập như đồng phục, giày dép, sách giáo khoa, văn phòng phẩm...
Tương tự, tại Anh, bên cạnh học phí, đầu năm học, các gia đình cũng phải chi gần 2.000 bảng cho các chi phí giáo dục khác như dịch vụ chăm sóc trẻ em, đồng phục, thiết bị công nghệ, câu lạc bộ sau giờ học, bữa trưa, phương tiện di chuyển, sự kiện xã hội... Đáng chú ý, các khoản tiền này tăng theo tốc độ lạm phát chứ không cố định theo mức trần như học phí. Do đó, ngay cả những gia đình trung lưu cũng chật vật để chi trả.
Một trong những khoản thu chiếm nhiều tiền nhất hiện nay ở Anh là hoạt động dã ngoại như đi cắm trại qua đêm, trại hè học tập... Hoạt động này có thể tiêu tốn từ hàng chục đến hàng trăm bảng.
Anh Gavin Owen, có hai con trai đang theo học tại Trường Ysgol Syr Hugh Owen, thị trấn Caernarfon, xứ Wales, đã phải đóng 160 bảng Anh cho chuyến dã ngoại của các con. Ông bố chia sẻ: “Chuyến đi như vậy có giá quá đắt, không phù hợp với tất cả các gia đình. Nhà trường cũng không thông báo chi tiết khoản tiền trên được dùng như thế nào. Ít nhất, họ cũng phải hỗ trợ cho những gia đình khó khăn”.
Tại Ấn Độ, từ năm học 2023 - 2024, nhiều trường phổ thông thông báo tăng học phí thêm 15%. Ông Sunil Choudhari, Chủ tịch Hiệp hội phụ huynh Navi Mumbai, cho biết, nhiều trường tăng học phí nhưng không công khai rõ ràng mục đích và các khoản chi. Nhiều trường chỉ giải thích tăng học phí để “phát triển trường” mà không nêu rõ định hướng phát triển trong tương lai.
TS Ange Fitzgerald, chuyên gia giáo dục tại Đại học RMIT, cho rằng, không phải mọi gia đình đều có khả năng chi trả cho những khoản thu ngoài học phí. Việc các trường đẩy gánh nặng này sang cho phụ huynh sẽ khoét sâu thêm chênh lệch về khả năng tiếp cận giáo dục giữa nông thôn và thành thị. Tình trạng này sẽ gây ra bất bình đẳng trong giáo dục.