Những trường hợp nào giáo viên được phép dạy thêm?
Liên quan đến việc một cô giáo Trường Tiểu học Trần Phú (Hà Tĩnh) đang bị đề xuất kỷ luật vì tổ chức dạy thêm ở nhà cho học sinh lớp 1. Nhiều ý kiến thắc mắc vậy những trường hợp nào giáo viên được dạy thêm?
Mới đây, Trường Tiểu học Trần Phú (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) vừa tổ chức họp, đề xuất kỷ luật khiển trách đối với cô giáo Nguyễn Thị Th. (chủ nhiệm lớp 1B) do tổ chức dạy thêm tại nhà.
Trước đó, khoảng 19h ngày 4/12, người dân phản ánh về việc cô Nguyễn Thị Th tổ chức dạy thêm trái quy định cho học sinh lớp 1 tại nhà riêng ở phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh).
Liên quan đến sự việc này, nhiều độc giả bày tỏ thắc mắc theo quy định hiện hành, những trường hợp nào giáo viên được phép dạy thêm và liệu có được dạy thêm học sinh của mình chủ nhiệm trên lớp.
Hiện nay, quy định về dạy thêm và học thêm đang được thực hiện theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo đó, về nguyên tắc, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau.
Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên trường công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo thông tư mới về quy định dạy thêm, học thêm (khi thông qua và ban hành sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT). Tuy nhiên, đến thời điểm này, các quy định trên vẫn đang có hiệu lực.