Những trường đại học sư phạm nào xét tuyển học bạ năm 2024?
Trong khi nhiều trường dần "siết" phương thức xét tuyển học bạ, một số trường đại học sư phạm lớn vẫn duy trì phương thức này năm 2024.
Đại học Sư phạm TPHCM dự kiến tiếp tục xét tuyển kết hợp điểm học bạ và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức với tổng chỉ tiêu khoảng 40%.
Cụ thể, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tuyển sinh bằng kết quả học tập THPT trong 6 học kỳ (lớp 10, 11 và 12) của 3 môn học để xét tuyển.
Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình của 3 môn học 6 học kỳ ở THPT (tương ứng với tổ hợp môn xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023) cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GD&ĐT và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Đối với phương thức xét học bạ, năm nay Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xét tổng điểm trung bình lớp 10, 11, 12 của môn học hoặc tổ hợp môn, tùy ngành, cộng với điểm ưu tiên.
Ngoài ra, trường còn xét tuyển kết hợp điểm thi năng khiếu với điểm học bạ, với thí sinh có hạnh kiểm khá trở lên, thi vào ngành sư phạm âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục mầm non và giáo dục mầm non - sư phạm tiếng Anh.
Năm nay, Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển khoảng 4.400 sinh viên, giữ ổn định 5 phương thức gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét học bạ, dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, và xét tuyển kết hợp điểm thi năng khiếu.
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng dự kiến tuyển khoảng 700 sinh viên bằng cách xét học bạ. Năm ngoái, nhà trường xét tuyển theo cách thức: Tổng điểm trung bình môn lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 của ba môn trong tổ hợp, cộng điểm ưu tiên.
Năm nay, trường dự kiến tuyển 2.800 sinh viên theo các phương thức: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, xét học bạ THPT, kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo đề án tuyển sinh riêng.
Theo đề án tuyển sinh do trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 công bố, cách tính điểm và điểm ưu tiên xét tuyển theo phương thức học bạ như sau: Điểm xét tuyển = ĐTB Môn 1 + ĐTB Môn 2 + ĐTB Môn 3 + ĐƯT. Trong đó, ĐTB Môn 1 hoặc ĐTB Môn 2 hoặc ĐTB Môn 3 = (điểm HK 1 + điểm HK 2)/2 và ĐƯT = ĐƯT theo đối tượng chính sách + ĐƯT theo khu vực.
Nhà trường thông báo xét tuyển bằng học bạ cho tất cả các ngành. Riêng ngành giáo dục mầm non, giáo dục thể chất và quản lý thể dục thể thao, trường xét kết hợp học bạ với điểm thi năng khiếu.
Các trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Huế và Đại học Thái Nguyên cũng tuyển bằng học bạ, bên cạnh các phương thức khác.
Cụ thể, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) sử dụng kết quả học tập của 2 học kỳ năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12 để xét tuyển.
Trong khi đó, để vào Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) bằng phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh sẽ được tính theo cách thức: Điểm xét tuyển= ĐTB môn 1 + ĐTB môn 2 + ĐTB môn 3 + Điểm ưu tiên (nếu có).
Đại học Cần Thơ cũng thông báo xét điểm học bạ vào các ngành sư phạm. Cụ thể, năm 2024 nhà trường xét tuyển dựa vào điểm trung bình môn 6 học kỳ của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển ứng với ngành do thí sinh đăng ký.
Điểm mỗi môn (gọi là Điểm M) để tính điểm xét tuyển được tính bằng trung bình cộng của điểm trung bình môn trong 6 học kỳ (làm tròn đến hai chữ số thập phân), công thức tính Điểm M như sau:
Điểm M= Điểm trung bình học kỳ của 3 năm THPT/6.
Trong đó, điểm môn năng khiếu trong tổ hợp xét tuyển do Đại học Cần Thơ tổ chức thi hoặc sử dụng kết quả thi do trường khác tổ chức thi.