A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những lưu ý lựa chọn du học

Sang năm thứ 3 liên tiếp chịu tác động từ dịch Covid-19, lĩnh vực giáo dục đại học quốc tế đang chuyển mình.

Cân nhắc những thay đổi, yêu cầu du học trong bối cảnh mới giúp sinh viên lựa chọn điểm đến học tập phù hợp và an toàn.

Phương pháp giảng dạy

Các trường đại học trên thế giới phải thay đổi phương pháp giảng dạy liên tục trong 2 năm qua. Nhiều cơ sở đã chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến do các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của chính phủ. Đây là tình hình chung trên toàn thế giới.

Bước sang năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học đang trở lại với phương pháp dạy trực tiếp nhưng tiếp tục ứng dụng và phát huy ưu điểm của dạy trực tuyến. Số khác vẫn tổ chức dạy trực tuyến.

Đơn cử, hầu hết các trường đại học tại Anh đang ứng dụng mô hình Môi trường Học tập ảo (VLE) để lưu trữ học liệu, thông tin của sinh viên. Trong trường hợp sinh viên không thể tham gia học trực tiếp, các em có thể duy trì việc học thông qua VLE.

Mỗi phương pháp giảng dạy hậu đại dịch Covid-19 thể hiện khả năng ứng dụng công nghệ và đối phó với dịch bệnh của các trường đại học nói riêng và của quốc gia. Khi chọn địa điểm du học và trường đại học, sinh viên nên tìm hiểu kỹ càng hơn về những phương pháp đào tạo hiện nay, kế hoạch ứng phó với Covid-19 hoặc hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Mức độ an toàn

Năm 2022 vẫn là một năm gắn với đại dịch Covid-19 nhưng mỗi quốc gia đã có kế hoạch để đối phó với khủng hoảng này.

Đơn cử, tại Anh, các trường đại học hạn chế số lượng sinh viên trong khuôn viên trường, phân chia ca học để sinh viên đều có thể trải nghiệm cơ sở vật chất. Nước này cũng triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin mũi tăng cường để nâng cao độ phủ vắc-xin. Sinh viên quốc tế được phép tiếp cận với tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS).

Tại Mỹ, sinh viên được phép cởi bỏ khẩu trang trong khuôn viên trường học. Các quy định về phòng, chống dịch được nới lỏng tuỳ theo mức độ dịch từng bang.

Ở Australia, sinh viên quốc tế có thể nhập cảnh từ cuối tháng 2. Nhiều trường đại học có chính sách hỗ trợ chi phí tự cách ly, xét nghiệm Covid-19 cho sinh viên nhập cảnh. Chương trình học được giảm tải, nâng cao hoạt động thực hành, trải nghiệm nhằm bù đắp những gián đoạn của việc học trực tuyến trong 2 năm qua.

Mỗi quốc gia có quy định phòng chống dịch trong trường học khác nhau

Xu hướng ngành nghề

Sinh viên hiện nay đã giảm mối quan tâm dành cho bằng cấp kinh doanh mà chuyển sang lĩnh vực sức khoẻ, công nghệ. Sinh viên Ấn Độ, quốc gia sở hữu số lượng sinh viên du học nước ngoài hàng đầu thế giới, đặc biệt quan tâm đến ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông. Hai năm trở lại đây, ngành học này được sinh viên Ấn Độ lựa chọn nhiều nhất.

Theo sau là những ngành học “dành cho tương lai” như an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI). Với sự xuất hiện của dịch Covid-19 và tinh thần làm việc truyền cảm hứng của đội ngũ y tế trên khắp thế giới, ngành học về sức khoẻ, nghiên cứu y tế, khoa học y sinh cũng ghi nhận số lượng sinh viên đăng ký tăng vọt trong hai năm trở lại đây.

Do đó, tỷ lệ ứng tuyển vào những ngành học này tại các nước phát triển trong lĩnh vực giáo dục quốc tế được đánh giá tương đối khốc liệt. Thí sinh cần cân nhắc kỹ, chuẩn bị tốt nhất có thể cho hồ sơ du học giúp tăng cơ hội trúng tuyển.

Ngoài ra, sinh viên có thể chuyển hướng lựa chọn những điểm đến du học chất lượng nhưng không nhất thiết phải đứng hàng đầu thế giới. Đơn cử, Singapore ngày càng nổi bật trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin khi sở hữu nhiều trường đại học “trẻ tuổi” có tiềm năng của thế kỷ 21 như Trường Đại học Công nghệ Nanyang, Trường Đại học Quốc gia Singapore… Trung Quốc với Trường Đại học Thanh Hoa cũng đang khẳng định vị thế trong lĩnh vực giáo dục quốc tế.

Tài chính

Không ít du học sinh lựa chọn làm thêm khi đang du học để trang trải học phí và hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã cho thấy mức độ bất ổn của công việc làm thêm khi nhiều quốc gia, ngành nghề phải cắt giảm nguồn nhân lực.

Sinh viên làm thêm trong lĩnh vực dịch vụ - nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch khi các doanh nghiệp đóng cửa, sa thải hàng loạt nhân viên. Các doanh nghiệp có thể nhận được một khoản tài trợ từ chính phủ nhưng sinh viên làm thêm gần như không được hưởng lợi ích này.

Du học năm 2022, sinh viên cần giữ đầu óc tỉnh táo không để bị lừa tham gia những công việc nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc học tập hay thị thực. Tiếp đó, cần tuân thủ quy định về những việc được làm và không được làm đối với sinh viên làm thêm do các quốc gia đặt ra. Ví dụ, số giờ làm thêm của sinh viên chỉ giới hạn trong khoảng thời gian nhất định.

Nếu gặp khó khăn về tài chính, sinh viên có thể tìm đến trường đại học để nhận hỗ trợ.

Sự thay đổi

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kế hoạch du học của sinh viên theo nhiều cách khác nhau. Một số người đã thay đổi địa điểm du học vào phút chót. Đơn cử, Australia không còn là quốc gia được yêu thích nhất. Anh, Mỹ có thể nhường chỗ cho Canada, Singapore hay các quốc gia EU.

Điều chắc chắn duy nhất của năm 2022 là sự thay đổi. Cách tốt nhất để đối phó với sự thay đổi là chuẩn bị nhiều phương án. Hãy xem xét nhiều điểm đến du học, đề phòng tình huống các quy định phòng, chống dịch ở mỗi quốc gia thay đổi hoặc tình hình dịch bệnh tại các quốc gia.

Trong trường hợp xấu nhất là việc du học bị hoãn, đừng chờ đợi cho đến khi mọi việc suôn sẻ. Hãy thử tham gia các chương trình đào tạo trực tuyến do các trường đại học trên thế giới tổ chức. Hoặc xin thực tập tại địa phương để nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng làm việc trước khi bước vào thế giới thực.

Với những người đang tìm kiếm địa điểm du học, quy định và kế hoạch phòng chống Covid-19 của các quốc gia là rất quan trọng. Nó cũng là thước đo đánh giá mức độ phù hợp với khả năng chi tiêu, điều kiện sức khoẻ và nhận thức của sinh viên về dịch Covid-19.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...