Nhiều ý kiến đa chiều quanh việc Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025
Thông tin môn Lịch sử có thể là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã nhận được nhiều ý kiến tích cực.
Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Trong đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 6 môn gồm: 4 môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn.
Về môn thi, hình thức thi, Bộ GD&ĐT tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử đối với giáo dục phổ thông (GDPT); Ngữ văn, Toán, Lịch sử đối với giáo dục thường xuyên (GDTX) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Nói về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT, thầy Trần Trung Hiếu (Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) bày tỏ quan điểm trên VOV:
"Về khía cạnh các môn thi bắt buộc, tôi cho rằng đây là một phương án logic. Bởi vì khi môn Lịch sử là một môn học bắt buộc thì đương nhiên nó phải là môn thi bắt buộc.
Trước đó như chúng ta đã biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thông qua đã thiết kế môn Lịch sử là môn học lựa chọn ở bậc THPT. Nhưng trước khi triển khai chương trình này ở lớp 10, Bộ GD&ĐT đã quyết định sửa chương trình theo hướng Lịch sử là môn học bắt buộc theo yêu cẩu của Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng như tiếp thu ý kiến góp ý của đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh, dư luận.
Khi Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, về phía học sinh, các em có cơ hội để được học nhiều hơn so với tính chất của môn học lựa chọn. Khi các em được học nhiều hơn cũng đòi hỏi giáo viên có tính trách nhiệm cao hơn trong vấn đề giảng dạy môn học này.
Việc Lịch sử là môn thi bắt buộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục tình yêu lịch sử và cải thiện từng bước nâng cao chất lượng học ở các trường phổ thông hiện nay. Phương án này, tôi nghĩ không chỉ phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục phổ thông mà đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của nhiều học sinh, sự đồng thuận của đông đảo mọi người trong xã hội".
Thầy Hiếu cho biết thêm, việc Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc sẽ cũng không tạo áp lực cho học sinh. Sau 3 năm học THPT, các em sẽ định hình được những kiến thức cơ bản để tự tin hơn khi thi môn này.
"Việc học tập, thi cử, đánh giá môn Lịch sử là một câu chuyện dài và luôn là một trong những vấn đề của giáo dục nhiều năm nay. Vì nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho các học sinh ngại học môn này.
Tuy nhiên, Chương trình giáo dục 2018 và sách giáo khoa mới được biên soạn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Với môn Lịch sử, không yêu cầu học sinh phải nắm bắt tỉ mỉ, chi li kiến thức sử liệu, số liệu ngày, tháng, năm mà trên nền tảng kiến thức cơ bản đã được học ở bậc THCS.
Trong chương trình THPT lớp 10, 11, 12, việc học tập môn Lịch sử chủ yếu đi theo hướng học chủ đề, chủ điểm, có tính khái quát, mở rộng hơn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn.
Do vậy, tôi nghĩ sau 3 năm học THPT học sinh sẽ định hình được những kiến thức cơ bản để em cảm thấy không đáng sợ khi thi môn Lịch sử và thậm chí tự tin hơn khi thi môn này. Dĩ nhiên điều này phụ thuộc rất lớn vào khả năng truyền đạt của các giáo viên", thầy Hiếu nhận định.
Được biết, ngoài những nhóm ngành đặc thù liên quan đến nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu những năm trở lại đây rất ít các cơ sở giáo dục đại học lấy môn Lịch sử làm tiêu chí chọn xét tuyển của mình.
Đặc biệt đối với các trường như Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính,… hầu hết chỉ lấy các khối A, A1, D,… Điều này khiến nhiều người thắc mắc rằng, việc điều chỉnh môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc có cần thiết trong xét tuyển hay không?
Là người trực tiếp giảng dạy, thầy Triệu Đình Phương (Phó bộ môn Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Thủy lợi) cho biết, kiến thức lịch sử vẫn được sử dụng ở trong các khối ngành kinh tế, kỹ thuật. Lý do là bởi những yếu tố liên quan đến lịch sử, văn hóa đều tác động mạnh mẽ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
"Đặc biệt đối với nhà quản trị phải đối mặt với những lực lượng lao động đa dạng ở trên toàn cầu thì không thể trách khỏi việc phải hiểu rõ nguồn gốc của họ", Người đưa tin dẫn lời thầy Phương.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết, do đặc thù với những trường đào tạo các ngành khoa học cơ bản, nhiều năm nay nhà trường vẫn luôn có chỉ tiêu cho các khối xã hội.
"Môn Lịch sử hiện nay không còn máy móc học thuộc, các trường luôn cố gắng đổi mới phương thức giảng dạy, giúp cho các em biết vận dụng kiến thực của quá khứ vào hiện tại để hướng tới tương lai", PGS.TS Đặng Thị Thu Hương cho hay.
Cô Hương cũng lưu ý rằng, nếu môn Lịch sử trở thành môn thi chính thức, thì các trường THPT cũng cần quan tâm đến việc học và dạy như thế nào để phù hợp cho người học, như vậy mới đạt được hiệu quả đào tạo.
Lịch sử có thể là môn thi tốt nghiệp bắt buộc từ 2025.