A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo viên dạy người khuyết tật sẽ được vào danh mục nghề nặng nhọc, nguy hiểm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư ban hành danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong đó, có công việc của giáo viên trực tiếp can thiệp, dạy và hỗ trợ cho người khuyết tật nặng.

Đề xuất bổ sung nhiều nghề thuộc công việc độc hại, nguy hiểm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất danh mục bổ sung 37 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và 14 nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc 3 lĩnh vực: Xây dựng, vận tải, thương binh và xã hội.

Trong đó, có 37 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gồm: Lắp dựng, tháo dỡ ván khuôn, hệ ván khuôn, giàn giáo công trình; lắp dựng thiết bị, cấu kiện, kết cấu thép, bê tông đúc sẵn, tấm tường, tấm sàn, tấm mái công trình; gia công, lắp dựng cốt thép công trình; thi công sơn, bả, chống thấm bề mặt công trình cao trên 6m; thi công đào, xúc đất, đá, cát công trình hở; giao nhận hàng hóa đầu cần ở các bến cảng; lái xe chở tổng đoạn tàu thủy, có trọng tải từ 50 tấn trở lên, công việc sửa chữa điện trong nhà máy đóng tàu; vận hành máy cắt CNC trong nhà máy đóng tàu...

Có một số nghề, công việc đáng chú ý trong lĩnh vực thương binh và xã hội cũng được liệt kê vào danh sách công việc nặng nhọc như: Nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, thường xuyên phải tiếp nhận thông tin qua điện thoại và tư vấn, trả lời, hướng dẫn, căng thẳng thần kinh tâm lý; giáo viên trực tiếp can thiệp, dạy văn hóa, dạy nghề, hỗ trợ đối với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là công việc gây căng thẳng thần kinh, tâm lý; nhân viên trực tiếp giải quyết chế độ chính sách đối với thương bệnh binh và hỗ trợ trực tiếp người có công về điều dưỡng tại đơn vị là công việc nặng nhọc gây căng thẳng thần kinh tâm lý.

Giáo viên dạy người khuyết tật sẽ vào danh mục nghề nặng nhọc, nguy hiểm - Ảnh 1.

Giáo viên dạy người khuyết tật là 1 trong 37 nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

14 nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gồm: Gia công, lắp dựng cốt thép trong hầm, ngầm; lắp dựng, tháo dỡ ván khuôn, hệ ván khuôn, hệ khung đỡ ván khuôn, đường trượt… công trình hầm, ngầm; lắp đặt và tháo dỡ các máy, thiết bị nâng chuyển (cần trục tháp, cần trục, vận thăng, sàn treo…) phục vụ thi công xây dựng công trình; lắp đặt, sửa chữa hệ thống điện trong công trình hầm, ngầm.

Công việc thi công đổ bê tông công trình hầm, ngầm; gia công, lắp dựng lưới thép, vì thép, gia cố hầm, ngầm; lắp dựng các thiết bị, cấu kiện, kết cấu thép, bê tông đúc sẵn, hệ thống đường ống công trình hầm, ngầm; khoan phun vữa xi măng gia cố nền đập và tạo màng chống thấm công trình hoặc khoan phun vữa xi măng trong hầm, ngầm.

Các công việc xây gạch, đá, trát, ốp, lát trong công trình hầm, ngầm; khoan tạo lỗ neo, lắp đặt thanh neo thép, lắp dựng lưới thép, gia cố hầm, ngầm; vận hành cần trục bánh lốp, bánh xích; lái xe vận tải, có trọng tải 20 tấn trở lên; lái máy xúc dung tích gầu từ 4m3 trở lên; phun vẩy vữa bê tông gia cố hầm hoặc phun vẩy vữa bê tông gia cố mái taluy.

Trước đó, Thông tư 11 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành năm 2020 quy định 1.838 nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và chia thành 31 lĩnh vực khác nhau như: Khai thác khoáng sản (108 nghề/công việc); cơ khí, luyện kim (180 nghề/công việc); hóa chất (159 nghề/công việc); vận tải (100 nghề/công việc); điện (100 nghề/công việc); thương mại (47 nghề/công việc); phát thanh, truyền hình (18 nghề/công việc); y tế và dược (66 nghề/công việc); khoa học công nghệ (57 nghề/công việc); giáo dục - đào tạo (4 nghề/công việc)…

Một số quyền lợi đặc biệt của người làm nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm

Chế độ nghỉ hàng năm

Tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 có quy định người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ có sỗ ngày nghỉ hằng năm cao hơn so với người lao động làm nghề, công việc trong điều kiện bình thường (12 ngày), cụ thể như sau:

- 14 ngày làm việc đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động.

- 16 ngày làm việc đối với người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động.

Giáo viên dạy người khuyết tật sẽ vào danh mục nghề nặng nhọc, nguy hiểm - Ảnh 2.

Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có số ngày nghỉ hằng năm cao hơn. (Ảnh minh họa)

Chế độ ốm đau

Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về nghỉ hưởng chế độ ốm đau của người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:

-40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;

-50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm;

-70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Chế độ hưu trí

Người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo đó, Khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 quy định: "Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035".

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Ngoài ra, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...