Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai: Đầu tư cho cỗ máy cái
Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người Việt...
Ảnh minh họa ITN |
Tại phiên họp Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo đầu tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai và đào tạo ngoại ngữ khác theo nhu cầu.
Trước đó, giữa tháng 8, với Kết luận số 91 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ Chính trị cũng yêu cầu các cấp đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Trình độ ngoại ngữ của người dân là yếu tố quan trọng, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh năng lực ngoại ngữ của người dân Việt Nam còn ở mức thấp, đất nước đang hội nhập sâu rộng, chủ trương của Đảng và Chính phủ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là hướng đi đúng đắn, được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người Việt. Tuy vậy, để hiện thực hóa chủ trương này là việc không dễ dàng, ngày một ngày hai, mà cần có lộ trình.
Hiện nay, điều kiện dạy và học tiếng Anh trong nhà trường còn thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh trở thành môn bắt buộc từ lớp 3, nhưng đến nay, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra ở khắp nơi, việc tuyển dụng rất khó khăn. Mới đây truyền thông đưa tin 9 trường tiểu học và THCS ở huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) phải dừng dạy môn Tiếng Anh trong hai tháng do thiếu giáo viên, cho thấy bài toán đảm bảo số lượng đứng lớp môn học này khá nan giải.
Không chỉ thiếu về số lượng, đội ngũ giáo viên hiện vẫn còn nhiều vấn đề về chất lượng. Dù thầy cô đều phải có bằng cấp đạt chuẩn mới được tuyển dụng đứng lớp, thế nhưng số đông còn hạn chế về giao tiếp tiếng Anh, đặc biệt là giáo viên các bộ môn khác. Lãnh đạo một số trường phổ thông tại TPHCM - nơi có điều kiện về dạy học tiếng Anh cho biết, chỉ khoảng 10 - 15% giáo viên trong trường có thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Một số giáo viên bộ môn dù có chứng chỉ tiếng Anh nhưng chưa thể dạy các môn học bằng tiếng Anh.
Để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai có nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện, trong đó việc nâng cao chất lượng giáo viên phải đặt ở vị trí hàng đầu. Trong chuyến làm việc tại Mỹ gần đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị ETS (Viện Khảo thí Hoa Kỳ) hỗ trợ để Bộ thực hiện nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. ETS đã đồng ý cử các chuyên gia sang Việt Nam để tiếp tục hỗ trợ.
Ở tầm địa phương, TPHCM đang nỗ lực trong việc tính toán chính sách tuyển dụng, sử dụng và đào tạo giáo viên với các tiêu chuẩn cụ thể, bao gồm yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ quốc tế uy tín và năng lực giảng dạy, để có thể triển khai thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường từ năm 2025.
Chuyển động từ ngành GD và địa phương khá tích cực, tuy vậy để giải bài toán giáo viên nhằm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, rất cần có một đề án mang tầm quốc gia, với các giải pháp về nguồn lực, cơ chế chính sách, đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng và sử dụng giáo viên, tạo cơ hội cho giáo viên bản ngữ hợp tác, làm việc tại Việt Nam… Đặc biệt, cần phải quan tâm đầu tư các trường sư phạm - những cỗ máy cái - để hệ thống này tăng tốc vào cuộc đào tạo và nâng chất lượng đội ngũ.
Hiện, một số trường sư phạm trọng điểm tổ chức thí điểm dạy Toán Tin, Vật lý, Sinh học, Hóa học bằng tiếng Anh. Kinh nghiệm đào tạo từ những chương trình thí điểm này cần được nghiên cứu, đánh giá, có chính sách hỗ trợ (nếu cần), để làm nền tảng cho việc đẩy mạnh đào tạo giáo viên, đáp ứng chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.