A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2024

Thời điểm hiện tại, học sinh lớp 12 trên cả nước đang trong giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Mùa tuyển sinh đồng nghĩa với “mùa lo”. Nhiều bạn đọc quan tâm, kỳ tuyển sinh năm nay có gì mới?

Theo ghi nhận của phóng viên, trong mùa tuyển sinh năm 2024, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển dành cho nhiều đối tượng học sinh khác nhau như: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ); xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét tuyển thẳng theo quy chế...

Mỗi phương thức xét tuyển đều có đặc thù riêng, giúp các cơ sở giáo dục đại học tăng cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực, sở trường phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2024
Việc nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh giúp thí sinh có thêm nhiều lựa chọn. Ảnh: P.T

Chẳng hạn, năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 9.260 chỉ tiêu cho 64 chương trình đào tạo (tăng 1.275 chỉ tiêu so với năm 2023). Nhà trường giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển như năm ngoái. Cụ thể, trường dành khoảng 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, khoảng 30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy. Còn lại khoảng 50% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Với phương thức xét tuyển tài năng, nhà trường sẽ xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP, IB và xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.

Với phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy, thí sinh phải tham dự kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Điều kiện dự tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đạt ngưỡng điểm đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định. Với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điều kiện dự tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đạt ngưỡng điểm sàn do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định. Các tổ hợp xét tuyển A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29 (tùy theo từng chương trình đào tạo).

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.650 chỉ tiêu (tăng 150 chỉ tiêu so với năm 2023) cho 52 ngành/chương trình đào tạo đại học chính quy theo 6 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học THPT; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2024 và xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2024.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là 2.400 chỉ tiêu; trong đó, 2.050 chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy cấp bằng đại học thứ nhất và 350 chỉ tiêu đại học chính quy cấp bằng đại học thứ hai. Nhà trường giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh như năm 2023. Cụ thể: Xét học bạ (dự kiến chiếm 15% chỉ tiêu), xét tuyển kết hợp (dự kiến chiếm 15% chỉ tiêu), xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (dự kiến chiếm 70% chỉ tiêu).

Nguyễn Thành Hiếu (học sinh Trường THPT Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Điều em cảm thấy mừng nhất là các trường đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tuyển sinh... Em sẽ tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển để vừa giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng”.

Thời điểm hiện tại, học sinh lớp 12 cần phải nỗ lực với tinh thần cao nhất, tập trung củng cố kiến thức cũng như hoàn thành chương trình học. Bên cạnh đó, các em cũng cần tính toán, lên chiến lược để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường đại học mà mình mong muốn.

Thời gian vừa qua, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố một số phân tích đối sánh, tương quan để xem xét các phương thức tuyển sinh như: Xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT…; qua đó đánh giá tương quan với kết quả học tập của sinh viên khi vào học ở trình độ đại học. Kết quả phân tích này là một trong những căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh, phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường.

Phạm Thảo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết