Để người thầy an tâm trên bục giảng
Dù sự việc phụ huynh vác dao xông vào trường doạ chém nhiều giáo viên và bắt thầy hiệu trưởng quỳ xuống xin lỗi đã được công an địa phương giải quyết nhanh chóng nhưng việc làm này đã để lại sự bất bình trong dự luận, bất an cho những người đang làm công tác giáo dục.
Trường học không phải là nơi hành xử tuỳ tiện
Chia sẻ về vụ việc phụ huynh có con theo học tại Trường Tiểu học Sơn Lâm (xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vác dao xông vào trường dọa chém nhiều giáo viên và bắt hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, ông cảm thấy vô cùng thất vọng. "Khi ép một ông thầy, đặc biệt lại là một hiệu trưởng quỳ xuống không chỉ hạ nhục, bôi nhọ họ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến vai trò giáo dục học sinh. Học sinh sẽ nghĩ gì khi chứng kiến hoặc được biết người thầy, đặc biệt là vị hiệu trưởng phải quỳ gối trước một phụ huynh bặm trợn, hung hăng cầm dao đến đe dọa?”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, sự việc đáng tiếc xảy ra trong trường học đã làm ảnh hưởng tới hình tượng, nhân cách của người thầy trong mắt học sinh nói riêng và cả xã hội nói chung.
Hành xử thiếu suy nghĩ của nhiều phụ huynh khiến cho việc giáo dục học sinh gặp khó |
Đi kèm với đó, vị phụ huynh mang theo hung khí vào trường học đe dọa hiệu trưởng cũng cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, không thể giải quyết thông qua lời xin lỗi và cho qua. “Trường học không phải là nơi có thể hành xử tùy tiện”, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Trước đó cũng có nhiều vụ bạo lực giáo viên xảy ra trong trường học, Tiến sĩ Tâm lý Lê Minh, giảng viên khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận định: “Hiện nay, nhiều giáo viên có những áp lực trong giao tiếp, ứng xử với học sinh, phụ huynh. Đôi lúc, họ không dám to tiếng với học sinh của mình. Vì sợ rằng, mình chỉ cần có một nhắc nhở nào đó đối với học sinh không hợp lý, phụ huynh sẽ có những phản ứng tiêu cực”.
Bày tỏ quan điểm trước vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Sơn Lâm (Hà Tĩnh), giảng viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng: “Hành động của bác phụ huynh đó đã làm thầy cô mất đi cái uy nhất định của mình trong ứng xử với học trò. Cái uy ở đây không phải là uy quyền mà là một sự nhắc nhở, nghiêm minh với những học sinh cố ý quậy phá, với những hành vi sai trái, tiêu cực của học sinh”.
Cần khéo léo hơn trong ứng xử sư phạm
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng chỉ ra hạn chế trong cách thức ứng xử sư phạm trong trường học. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc trên là do một số em học sinh chưa nộp tiền Bảo hiểm y tế bắt buộc nên nhà trường đã phát loa thông báo.
Cách ứng xử sư phạm là vô cùng quan trọng |
“Mỗi người đều có danh dự, tự ái cá nhân. Nếu việc ứng xử với các em không khéo sẽ dẫn tới hai chiều hướng. Có thể việc nêu tên dễ khiến học sinh trở nên bi quan hoặc tạo ra những phản ứng với những em cá tính mạnh. Trong ứng xử sư phạm cần hết sức tế nhị, văn hóa, chỉ lên án những việc làm không tốt, từ đó rút kinh nghiệm.”, Phó Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam phân tích.
Qua sự việc, Phó Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cũng nhấn mạnh tới công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học. “Bên cạnh lối ứng xử phù hợp của giáo viên, nhà trường cần đảm bảo có đội ngũ bảo vệ, được huấn luyện để đối phó với các tình huống có nguy cơ mất an toàn cho học sinh, giáo viên. Khi gặp tình huống bất ngờ, lực lượng bảo vệ phải lập tức giữ lại, hô hoán trợ giúp không được để lọt vào bên trong”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Dưới góc nhìn tâm lý học, TS Lê Minh hy vọng: “Mỗi giáo viên trước khi thể hiện sự nghiêm minh của mình trong ứng xử với học trò, cần có những trao đổi khéo léo với phụ huynh để họ hiểu rằng, với tư cách là thầy cô, tôi rất yêu quý học sinh nhưng khi có những biểu hiện chưa ngoan, ương bướng, chưa nghe lời, người thầy cần phải có cách ứng xử nghiêm khắc”.