Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục: Nên bắt đầu từ yếu tố con người
Sáng 12/7, Phòng GD&ĐT TP Việt Trì (Phú Thọ) và Công ty Cổ phần Giáo dục Toàn cầu Adaptive Learning đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục” với sự tham gia của đông đảo cán bộ quản lý giáo dục của địa phương.
Ông Đào Mạnh Thắng - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Việt Trì nhấn mạnh vai trò của công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục thành phố. |
Tính tất yếu của chuyển đổi số
Tham dự hội thảo có đại diện Phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Phú Thọ; bà Nguyễn Thu Hiền – Phó Chủ tịch UBND TP Việt Trì; ông Đào Mạnh Thắng – Trưởng Phòng GD&ĐT; PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), chuyên gia cao cấp của Bộ GD&ĐT; PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cùng đông đảo cán bộ quản lý các nhà trường trên địa bàn TP Việt Trì.
Phát biểu định hướng tại hội thảo, bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP Việt Trì nhấn mạnh, ngành Giáo dục là đơn vị tiên phong về chuyển đổi số của thành phố. Đây là một bước quan trọng trong hiện thực hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bà Hiền hi vọng từ nay đến cuối năm, việc chuyển đổi số ở ngành giáo dục sẽ không còn xa lạ. Sau hội thảo sẽ tạo nên bước tiến mới để xây dựng xã hội số trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND TP Việt Trì Nguyễn Thu Hiền mong muốn buổi hội thảo sẽ phát huy hiệu quả trong việc lan tỏa tinh thần đổi mới về chuyển đổi số. |
Theo ông Phạm Đức Chiển – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT TP Việt Trì, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố giai đoạn 2022-2025, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động dạy học. Mục tiêu đến năm 2025, đổi mới phương thức tổ chức giáo dục đưa dạy học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, người học. Đổi mới phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu. Trong đó 80% cơ sở vật chất được quản lý bằng hồ sơ số; tỷ lệ hài lòng về dịch vụ công trực tuyến đạt trung bình 80%...
Nói về nhiệm vụ và giải pháp, ông Chiển nhấn mạnh tới hạ tầng số, hệ sinh thái số, hệ thống thông tin đồng bộ, năng lực số, huy động nguồn lực và cơ chế chính sách. Hiện tại, năng lực CNTT của cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố có 1.534 cán bộ quản lý có tình độ tin học cơ bản chiếm 92%; số CBQL, GV có trình độ tin học nâng cao là 86 người, tương đương 5%. Tỷ lệ máy tính/giáo viên chiếm 31%; 86% các phòng học được trang bị máy chiếu; 85% người dân có điện thoại thông minh.
"Nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành giáo dục Việt Trì là nghiên cứu mô hình, giải pháp công nghệ, triển khai thí điểm ứng dụng chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa mục tiêu đổi mới quản lý giáo dục và đổi mới phương pháp tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh" - ông Chiển nói.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ về tính cấp bách của chuyển đổi số trong nhà trường. |
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) chia sẻ, chuyển đổi số được thực hiện trong bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng trên cơ sở phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Hạ tầng về công nghệ cũng rất quan trọng khi chúng ta cập nhật và sử dụng nó như một công cụ hữu hiệu.
5 nhóm giải pháp xây dựng trường học thông minh. |
Chuyển đổi số cần có lộ trình, toàn diện và cân bằng giữa điều khách hàng cần và điều nhà quản trị cần; phải phù hợp trong bối cảnh, điều kiện hiện tại và tầm nhìn tương lai. Tuy nhiên, thực trạng ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục đang bị chưa chú trọng đầu tư nghiên cứu khoa học về giáo dục đào tạo, không đầu tư xây dựng hệ dữ liệu đá ứng nhu cầu dạy và học theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Trường học thông minh phải hài hòa giữa con người, quy trình thực hiện và công nghệ.
Cũng theo bà Chu Cẩm Thơ, có 4 vai trò trọng yếu trong chuyển đổi số gồm: Khơi dậy sự thông minh của đội ngũ người học; lựa chọn hướng đi công nghệ là giải pháp, con người là đích đến; công nghệ gắn liền với quản trị dạy học, tạo ra trường học số. Hệ sinh thái linh hoạt, thích ứng. Chuyển đổi số cũng có hệ sinh thái, giải pháp để kết nối được mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Phương pháp dạy để phát triển năng lực học sinh
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - chuyên gia cao cấp của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh về vai trò của chuyển đổi số trong giáo dục. |
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền lấy ví dụ về mô hình của một đội bóng để minh họa cho Chương trình GDPT 2018. Tức là, mỗi con người có một tiềm năng để dẫn dắt cho các em phát triển tiềm năng của chính mình. Không phải ai cũng là một cầu thủ Quang Hải ghi bàn giỏi mà không có hàng hậu vệ hay thủ môn giỏi để đội bóng giành chiến thắng.
Giáo dục phát triển phẩm chất năng lực học sinh là giáo viên dạy theo hướng tương tác. Cả người dạy và người học đều kiến tạo ra tri thức mới. Tập trung vào chất lượng tri thức chứ không phải là bắt các em học tất cả các thứ có sẵn. Chuyển đổi số giúp các em có tư duy hệ thống trong thế giới 4.0. Chỉ có công nghệ thì giáo viên mới lan tỏa và giúp học sinh tiếp cận được chất lượng giáo dục như tiếp xúc với giáo viên giỏi. Ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới dạy – học và kiểm tra, đánh giá quyết định sự thành bại của chuyển đổi số trong giáo dục.
Cũng theo vị chuyên gia, học tập thích ứng là áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo để điều phối sự tương tác với người học và cung cấp các tài nguyên và hoạt động học tập tùy chỉnh để giải quyết các nhu cầu riêng biệt của mỗi người học. Một hệ thống giáo dục trực tuyến dựa trên công nghệ hoạt động theo mô hình học tập tùy chỉnh cho học sinh. Hệ thống này phân tích hiệu suất của học sinh và điều chỉnh nội dung, tài nguyên, học liệu giảng dạy và phản hồi theo thời gian thực để đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân của học sinh. Các trường sẽ có cách dạy riêng để thúc đẩy tiềm năng của học sinh.
Chuyển đổi số nên bắt đầu từ con người
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn – Giám đốc sáng tạo Công ty Cổ phần Giáo dục Toàn cầu Adaptive Learning (AEGlobal) trao đổi với các cán bộ quản lý giáo dục tại TP Việt Trì. |
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn – Giám đốc sáng tạo Công ty Cổ phần Giáo dục Toàn cầu Adaptive Learning (AEGlobal) đưa ra một số giải pháp về chuyển đổi số trong trường học. Muốn có học tập thích ứng phải có 3 trụ cột nền móng gồm Kho học liệu số, Hệ thống kiểm tra đánh giá theo thời gian thực và Hệ thống quản trị đào tạo.
Quản trị theo thời gian thực song song với học tập thích ứng. Hệ sinh thái giáo dục AEGlobal cung cấp hệ thống quản trị đào tạo giúp nhà trường và các cấp quản lý giáo dục thuận tiện trong việc: Quản lý nội dung dạy học, Quản lý chất lượng dạy học, Quản trị vận hành hiệu quả. Từ đó hỗ trợ quản lý, vận hành việc dạy và học tại các nhà trường, hỗ trợ ra quyết định kịp thời, chính xác theo thời gian thực...
Thầy Đỗ Huy Bình - Hiệu trưởng THCS Sông Lô nêu câu hỏi với diễn giả tại chương trình. |
Thầy Trần Thế Toàn đến từ Trường Tiểu học Hùng Lô - TP Việt Trì và nhiều thầy cô khác đã bày tỏ sự phấn khởi và tin tưởng sau khi nghe các diễn giả phân tích về các giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục.
Theo thầy Đỗ Huy Bình - Hiệu trưởng THCS Sông Lô, là trường vùng ven còn nhiều khó khăn. Trong đó cần thay đổi nhận thức của nhà quản lý, học sinh và phụ huynh để có sự tương tác. Không phải cứ trang bị đầy đủ thiết bị CNTT thì gọi là chuyển đổi số, mà cơ bản vẫn là yếu tố con người.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm cuối chương trình. |
Ông Đào Mạnh Thắng - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Việt Trì cho biết, thời gian tới đơn vị này sẽ tham mưu cho UBND TP Việt Trì về chuyển đổi số trong giáo dục. Theo thống kê, mỗi người một ngày sử dụng điện thoại di động khoảng 3h18 phút. Chủ yếu người dân vào các mạng xã hội để tìm hiểu thông tin, giải trí. Đa số người dân đều có điều kiện sử dụng các thiết bị di động có kết nối internet. Nếu được đào tạo, người dân đều có thể áp dụng CNTT vào các hoạt động của đời sống xã hội hàng ngày. Hội thảo đã diễn ra thành công và phát huy được vai trò lan tỏa tính bức thiết của việc chuyển đổi số trong giáo dục.