A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần làm gì khi dịch bệnh khiến nhiều học sinh lo âu, trầm cảm?

Việc học sinh hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc và giao tiếp trong thời gian dài đã khiến nhiều em và giáo viên rơi vào tình trạng trầm cảm, có trường hợp khủng hoảng tâm lý, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Thiếu quan tâm và hệ lụy nghiêm trọng

Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) cho biết: "Rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra hầu như ở tất cả các trường học hiện nay. Đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách làm thế nào để các em có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rối loạn tâm lý học đường".

Học sinh trở lại trường học sau nhiều tháng phải học trực tuyến vì dịch bệnh

Học sinh trở lại trường học sau nhiều tháng phải học trực tuyến vì dịch bệnh

Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo cho biết thêm, có một học sinh lớp 10 đang học tại trường đã phải bảo lưu kết quả học tập. Theo tâm sự của phụ huynh học sinh này, gia đình cứ nghĩ với độ tuổi của con mình "ăn chưa no, lo chưa tới" nên việc học trực tuyến ở nhà rất bình thường. Có thời điểm cháu cũng chia sẻ với bố mẹ nhưng vì công việc buôn bán bận rộn nên gia đình không để ý. Gia đình chỉ nghĩ học trực tuyến là mở máy tính lên học, không học nữa thì tắt máy. Sau một năm học trực tuyến, gia đình không ngờ tình trạng của con mình đã rất nghiêm trọng. Do đó, gia đình học sinh này đã phải xin bảo lưu kết quả học tập cho con.

Theo phụ huynh học sinh trên, trong suốt thời gian học trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 8) em đều là học sinh giỏi. Năm 2021, khi đang học lớp 9, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên em đã phải chuyển sang học online. Sau một thời gian học, em tỏ ra không thích học nữa và sau mỗi giờ học đều có dấu hiệu mệt mỏi, rồi khi đóng máy tính lại không nhớ gì. Đến lúc quay trở lại trường học trực tiếp, em lại không thể hòa nhập được và sợ hãi khi đến trường. Sau đó, em đã xin gia đình cho nghỉ học và không đến trường nữa.

Sau nhiều lần như thế, gia đình đã cho con đi gặp bác sĩ tâm lý và kết quả em bị mắc chứng lo âu trầm cảm, khủng hoảng tâm lý trong suốt thời gian học online mà không được sự quan tâm kịp thời. Bên cạnh đó, thời gian học trực tiếp tại trường, học sinh này gặp các vấn đề thích nghi và có mâu thuẫn với bạn bè nhưng chưa được giải quyết kịp thời thì đã chuyển sang học trực tuyến. Chính vì vậy, mâu thuẫn đó ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, khi đi học trực tiếp học sinh này còn bị bạn bè “tẩy chay”, dẫn đến chán nản và không muốn đến trường.

“Từ câu chuyện trên, chúng ta thấy được sự lo âu, rối loạn tâm lý trong khoảng thời gian dài học tập trực tuyến không được đến trường, không được giao tiếp, không được cởi mở với bạn bè của học sinh là hết sức nguy hiểm. Nếu những bậc cha mẹ, thầy cô không có sự quan tâm, nắm bắt kịp thời đôi khi sẽ trở thành những hệ lụy và hậu quả rất nghiêm trọng”, Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo nhấn mạnh.

Sớm phát hiện bất thường để giải quyết hiệu quả

Thạc sĩ tâm lý Cao Thị Thùy Trang, giảng viên Đại học Quốc tế Sài Gòn cho rằng, việc không được lắng nghe đúng lúc cần chia sẻ khiến nhiều bạn trẻ trở nên rụt rè, chẳng biết dựa vào ai khi bước đầu xuất hiện dấu hiệu căng thẳng, trầm cảm.

"Nhiều người không tin các em đang gặp vấn đề cần giúp đỡ và có những nhận xét kiểu như "Nó làm biếng đó cô!", "Con lười học chứ gì? Bố mẹ thấy con lười học chứ có bệnh gì đâu"… Có một sự thật, nếu chúng ta gãy tay, gãy chân hay đau ruột thừa thì rất nhiều người quan tâm nhưng những vết thương về tinh thần, tổn thương về tâm lý thì vô hình và chúng khó nhìn thấy được. Khi không ai quan tâm đúng lúc, nhiều em cố cho qua và nghĩ rằng mình ổn nhưng mọi chuyện đâu đơn giản như vậy", Thạc sĩ tâm lý Cao Thị Thùy Trang cho biết.

Vai trò của người làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học rất quan trọng

Theo các chuyên gia, vai trò của người làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học rất quan trọng, giúp các em học sinh vững tin hơn để hòa nhập (Ảnh minh họa)

Theo Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8, TP Hồ Chí Minh), không phải chỉ có tác động của dịch COVID-19 thì các em mới ảnh hưởng tâm lý. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý mà đôi khi chính bản thân các học sinh bản lĩnh, mạnh mẽ đã vượt qua được nhưng cũng có những em không thể vượt qua.

Dưới góc độ là người làm trong công tác quản lý giáo dục, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh nhấn mạnh vai trò của người làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học rất quan trọng. Sự động viên, chia sẻ kịp thời của thầy cô giáo sẽ giúp các em trở nên vững tin, từ đó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của rối loạn tâm lý.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay, cố vấn cao cấp Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam, cũng chỉ ra rằng, đợt dịch lần thứ 4 vừa qua có gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến; Hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn... Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển.

Bên cạnh những mặt tích cực thì học trực tuyến kéo dài cũng có nhiều hạn chế như lý thuyết lấn át thực hành, ít tương tác trong quá trình học, ít hoạt động nhóm, dễ mất động lực học tập. Phải ngồi trước thiết bị điện tử thời gian dài khiến các em cảm giác cô lập, xa cách, từ đó dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền. Thậm chí, nhiều em bị trầm cảm, rối loạn hành vi và khó tập trung chú ý…

"Trẻ không được đến trường trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc, thời gian ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho chính bản thân các em. Những tác động đó đã ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, thể chất và hạnh phúc của các em và chắc chắn sẽ còn kéo dài hậu quả trong nhiều năm tới", Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ.

Nói về giải pháp, các chuyên gia đều nhấn mạnh vai trò của phụ huynh học sinh cũng như người làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học đặc biệt rất quan trọng. Khi mọi người quan tâm quan sát, tìm hiểu, nắm bắt dấu hiệu trẻ có bất thường càng sớm thì việc đưa ra các giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề ở trẻ sẽ hiệu quả hơn…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...