A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bắt nhịp việc học sau Tết: Chủ động bắt nhịp

Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, học sinh, sinh viên dễ xuất hiện tình trạng thụ động và mất nhịp học tập. Do đó, việc chuẩn bị tâm lý, điều kiện để bắt nhịp với dạy – học là cần thiết.

Giữ thói quen “mở sách vở”

Nhiều năm dạy lớp 1 ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô Bùi Thị Khuê – Trường PTDTBT Tiểu học An Lương (Văn Chấn, Yên Bái) – nhận thấy, sau kỳ nghỉ Tết, học sinh thường có tâm lý uể oải, thậm chí là chán học. Thực trạng này đòi hỏi giáo viên biết cách kéo học trò trở lại với “quỹ đạo học tập”.

Theo kinh nghiệm của cô Khuê, việc đầu tiên là ổn định tâm lý cho học trò, tạo không khí vui tươi phấn khởi khi các em trở lại lớp. Do đó, không nên quá căng thẳng việc học, thay vào đó là những giờ học nhẹ nhàng, học mà chơi, chơi mà học để các em dần thích nghi. “Buổi học đầu năm mới, tôi thường trò chuyện với học sinh về kỷ niệm trong kỳ nghỉ Tết. Dành nhiều lời khen với các em. Tâm lý chung là, khi được khen trong những ngày đầu năm sẽ tạo động lực để học trò hứng thú hơn với việc học”, cô Khuê bật mí.

Tuy nhiên, theo cô Khuê, để học sinh hào hứng trở lại trường sau khi nghỉ Tết, rất cần sự đồng hành của phụ huynh. Theo đó, để học sinh không quên kiến thức, sớm bắt nhịp với việc học, phụ huynh nên dành một khoảng thời gian cùng con ôn lại công thức, hay các lý thuyết trong sách giáo khoa. Khi đó, việc dạy - học của cô - trò sẽ nhẹ nhàng hơn, các em không cảm thấy “choáng” hoặc “sốc” với kiến thức bài học mới.

Bên cạnh sự trợ giúp của giáo viên và phụ huynh, nhiều học sinh cũng chủ động giữ nhịp học cho mình. Minh Hằng – lớp 6A2, Trường THCS Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) – chia sẻ: Em hoàn toàn hoà nhịp cùng thầy cô và các bạn trong buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Trước đó, trong những ngày nghỉ Tết, em vẫn rèn thói quen mở sách vở mỗi ngày vào khung giờ nhất định như: Sáng lúc 10 giờ; chiều 16 giờ và tối là 20 giờ 30 phút.

Ngoài việc giữ thói quen đọc sách, xem tài liệu mỗi ngày, Yên Thị Hồng Viên – sinh viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM còn tham gia nhóm Zalo của lớp. Việc này vừa giúp em thư giãn, giải trí nhưng đồng thời cũng nhắc nhở nhau chuyện học hành, trao đổi bài. “Để giữ được “nhịp” học cần sự chăm chỉ, kiên nhẫn và chủ động từ chính mình”, Hồng Viên bộc bạch.

Sau Tết, các trường có thể tổ chức ngày hội STEM cho học sinh để tạo năng lượng tích cực cho các em trong học tập. Ảnh minh họa

Chủ động tâm thế

Theo TS Nguyễn Tất Thắng - Trưởng khoa Sư phạm và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên nghỉ Tết dài ngày dễ xuất hiện tình trạng thụ động và chi phối về mặt tâm lý. Chính vì thế, việc lấy lại tinh thần học tập là vô cùng quan trọng. Việc đầu tiên các em cần làm là, thường xuyên theo dõi thông báo trên hệ thống quản trị học tập của trường để kịp thời nắm bắt thông tin mới nhất, tránh bỏ lỡ những thông báo cần thiết. Các em nên xem qua đề cương môn học và giáo trình để nắm bắt tinh thần môn học. Đồng thời dành thời gian xem lại bài, bắt tay ngay vào chuẩn bị cho môn học trong học kỳ mới.

“Các em cần xác định kế hoạch, mục tiêu học kỳ, từ đó cụ thể hóa vào từng môn học và kiên trì để đạt được kết quả đó. Tuy nhiên, để được điều này, cần có tinh thần tự giác học tập và kiên định với mục tiêu của mình. Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch học tập một cách rõ ràng, chi tiết, phù hợp với kế hoạch tổng thể của học kỳ” - TS Nguyễn Tất Thắng lưu ý, đồng thời nhấn mạnh:

Các em cần có thái độ học tập nghiêm túc, tích cực tương tác với giảng viên bằng những câu hỏi hoặc tham gia thảo luận. Sinh viên có thể chuẩn bị cho mình cuốn sổ tay để ghi chép đầy đủ những gì giảng viên trình bày. Đồng thời thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về bài tập cá nhân, bài tập nhóm... và nghiên cứu trước tài liệu cho buổi học tiếp theo theo yêu cầu của giảng viên.

Nhấn mạnh, sau kỳ nghỉ Tết, sinh viên cần ổn định tâm lý, trở lại với “quỹ đạo” học tập để bắt đầu một học kỳ mới hiệu quả, TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội – khuyến nghị: Các em cần cập nhật ngay lịch học và tài liệu học tập của từng môn. Điều này rất quan trọng bởi khi nắm bắt tổng quan môn học và kế hoạch giảng dạy của giảng viên, có thể chủ động trong quá trình học tập. Với những sinh viên có lịch đi thực tập hoặc thực hành, thực nghiệm cần chuẩn bị cho mình tâm thế tốt nhất và trang bị một số kỹ năng mềm như: Giao tiếp ứng xử, làm việc nhóm và phong thái tự tin, khiêm tốn….

Ngoài ra, sinh viên cần chủ động thành lập các nhóm học tập theo từng môn học. Thực tế cho thấy, rất nhiều môn học, giảng viên sẽ giao bài tập theo nhóm, hoặc dự án để sinh viên thảo luận và thực hiện; sau đó yêu cầu đại diện nhóm lên thuyết trình. Việc này không chỉ giúp các em nắm bắt nội dung, ứng dụng vào thực tiễn, mà còn tăng tương tác nếu phải học trực tuyến. Việc lập nhóm nên tranh thủ trong thời gian nghỉ Tết, để sau khi trở lại học tập, các em đã có “đồng đội” để cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ. Khi đó việc học sẽ sớm ổn định và hoà nhịp ngay từ buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.

Mặt khác, các em cần có tâm thế tốt và chủ động trong học tập dù là phương thức trực tiếp hay trực tuyến hoặc kết hợp cả hai. Khi học cần ghi chép đầy đủ bài học, không nên thụ động, hoặc chỉ ngồi nghe giảng viên giảng dạy. Khi đó các em sẽ nhanh chóng bắt nhịp với bài học cũng như tiến độ đào tạo của trường, của lớp.

Theo cô Bùi Thị Khuê, để khuyến khích và đem lại niềm hứng khởi cho con chào đón học kỳ mới, cha mẹ có thể dành thời gian đưa con đi sắm sửa đồ dùng và sách vở, nhằm tạo cho em năng lượng tích cực và mong chờ đến ngày tới trường. Ngoài ra, phụ huynh cần nhắc nhở thời gian đi học, để con hiểu rằng: “Thời gian nghỉ ngơi đã gần hết, cần phải chuẩn bị tinh thần đi học. Đặc biệt là với học sinh đầu cấp, việc xác định tinh thần và tâm thế học tập sau Tết rất quan trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...