"Chim sơn ca" trường Mầm non Hoàng Văn Thụ thổi hồn vào tiết học của trẻ
Hơn 14 năm gắn bó với nghề “cô nuôi dạy trẻ”, từ những kiến thức tích lũy được trong quá trình công tác, cô Đặng Thị Thu Trang (trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã sáng tạo sơ đồ tư duy để nâng cao hiệu quả trong công tác giáo dục trẻ.
Sáng tạo của cô được Sở GD&ĐT Hà Nội vinh danh giải thưởng Nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo năm 2022.
Sáng kiến thiết thực trong mùa dịch
Chia sẻ về lý do ra đời của sơ đồ tư duy, cô Thu Trang cho biết, trong quá trình giảng dạy, bản thân cô nhiều lần tự đặt ra câu hỏi: Trẻ em lứa tuổi mầm non có thể tiếp cận phương pháp sơ đồ tư duy hay không? Làm thế nào để trẻ tiếp cận với phương pháp sơ đồ tư duy khi trẻ chưa biết chữ? Làm sao để trẻ có thể đạt được các yêu cầu cuối độ tuổi về kiến thức, kỹ năng?
Cô Đặng Thị Thu Trang sáng tạo sơ đồ tư duy để nâng cao hiệu quả trong công tác giáo dục trẻ mầm non |
“Mặc dù các cấp học khác đã ứng dụng phương pháp này rất hiệu quả, song ở cấp học mầm non, hiện hầu như chưa có trường, lớp nào triển khai phương pháp Sơ đồ tư duy. Sau khi tham khảo các tài liệu, tôi quyết định “Ứng dụng phương pháp Sơ đồ tư duy cho trẻ (MindMap for kid) trong đổi mới hình tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ lứa tuổi mẫu giáo 4-5 tuổi”, cô Trang tâm sự.
Từ khởi đầu đó, cô đã nghiên cứu cách sử dụng phần mềm iMindmap8 để thiết kế những Sơ đồ tư duy sinh động, thu hút sự chú ý, nhằm củng cố, ôn luyện kiến thức sau mỗi bài học. Bước đầu, phương pháp của cô đã thu được những kết quả đáng tự hào về sự hứng thú cũng như chất lượng tiếp thu bài học trên trẻ của lớp mình.
Cô Trang nhận thấy, các cấp học khác chỉ cần sử dụng phần mềm vẽ sơ đồ tư duy và chèn chữ cho từng nhánh là có thể hoàn thành. Còn trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi hay trẻ mầm non nói chung thì chưa biết đọc, biết viết; đặc điểm tư duy của trẻ là kiểu tư duy trực quan - hình tượng.
Vì vậy, khi thiết kế xong sơ đồ tư duy, cô đã tạo thêm các khoảng trống ở tất cả các nhánh để chèn hình ảnh minh họa, các ký hiệu dễ hiểu nhất với trẻ, đồng thời lựa chọn các từ đơn giản bên cạnh các hình ảnh để giúp trẻ bước đầu làm quen với chữ cái.
Nhớ lại thời gian đầu triển khai áp dụng sáng kiến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến trẻ mầm non phải nghỉ học suốt thời gian dài, cô Trang cho biết: “Thực hiện giáo dục kết nối tới cha mẹ trẻ và trẻ, tôi đã tiến hành xây dựng các video hoạt động gửi đến trẻ 2 lần 1 tuần thông qua các kênh liên lạc như Zalo, Facebook, Zoom, trang thông tin điện tử của trường, lớp. Tuy nhiên việc lựa chọn nội dung và hình thức để hiệu quả với trẻ thì thật khó”.
Chính vì vậy, cô đã vẫn tiếp tục lựa chọn phương pháp sơ đồ tư duy, thiết kế các bài học về phòng chống dịch bệnh, tăng cường sức khỏe trong mùa dịch dựa trên từng đặc điểm phát triển của trẻ theo các giai đoạn tuân thủ nguyên tắc giáo dục đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Bằng tình yêu nghề, đam mê sáng tạo, cô đã thổi hồn cho những tiết học dành cho trẻ mầm non |
Vì có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay khi trở lại trường vào ngày 13/4/2022, trẻ đã không còn bỡ ngỡ với phương pháp sơ đồ tư duy. Trong 2 tháng cuối năm học 2021-2022, cùng với việc ôn luyện và bổ sung kiến thức cho trẻ, cô đã hướng dẫn trẻ các kỹ năng vẽ hình bằng các đường nét cơ bản, giúp trẻ có thể tự miêu tả suy nghĩ của mình bằng hình ảnh.
Tiếp tục nhân rộng...
Nhờ sự hướng dẫn của cô giáo, trẻ đã biết tự tổng hợp kiến thức qua Sơ đồ tư duy bằng cách bổ sung các hình ảnh minh họa còn thiếu ở các nhánh. Nhiệm vụ của trẻ là vẽ, tô, cắt, xé dán các hình ảnh tương ứng bổ sung vào Sơ đồ tư duy đó. Trên nền tảng đó, trẻ cũng sáng tạo ra các sơ đồ tư duy cho riêng trẻ một cách dễ dàng hơn.
Năm học 2022-2023, cô Trang lại được tiếp tục đồng hành với chính học sinh của lớp mình ở lứa tuổi lớn hơn. Với những kết quả thu được của năm học trước, học trò lại cùng cô mở rộng ứng dụng Sơ đồ tư duy trong các hoạt động phù hợp với lứa tuổi, được tham gia thiết kế Sơ đồ tư duy và tự sáng tạo Sơ đồ tư duy theo cách riêng.
Mới đầu khi mang ý tưởng này ra trao đổi với giáo viên cùng lớp và trong tổ chuyên môn, nhiều giáo viên bày tỏ băn khoăn bởi Sơ đồ tư duy là một phương pháp học tập quá mới đối với giáo dục mầm non. Tuy nhiên, cô Trang đã dần thuyết phục được đội ngũ giáo viên nhà trường bằng những sản phẩm thiết kế sơ đồ tư duy của mình và kết quả ứng dụng trên trẻ đã mang lại.
Hiện nay, các video chia sẻ cách thiết kế Sơ đồ tư duy trên phần mềm iMminMap8 và ứng dụng Sơ đồ tư duy vào dạy trẻ của cô Trang trên kênh YouTube nhận được số lượng truy cập rất cao. Trên tất cả các trang website của các lớp đều đã triển khai phương pháp Sơ đồ tư duy và nhận được sự yêu thích, ủng hộ nhiệt tình của trẻ và cha mẹ trẻ. Ngoài bộ môn Khám phá với 18 sơ đồ tư duy, cô Trang cũng đã thiết kế 12 sơ đồ tư duy ở các môn học khác trong tất cả các lĩnh vực phát triển của trẻ.
Nhận xét về đồng nghiệp, cô Vũ Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Văn Thụ cho biết: Cô Đặng Thị Thu Trang luôn gương mẫu đi đầu, có trách nhiệm cao trong công việc, luôn sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình thức tổ chức trong dạy học cho trẻ. Đặc biệt cô còn rất tích cực tham gia phong trào văn hóa văn nghệ của nhà trường, của quận Hoàng Mai, được ví như "chim sơn ca" của trường Mầm non Hoàng Văn Thụ.