Sự nghiệp lẫn hôn nhân đời thực viên mãn của NSƯT Tiến Hợi - người chuyên đóng vai Bác Hồ
NSƯT Tiến Hợi vừa qua đời ở tuổi 63 đã khiến khán giả vô cùng tiếc nuối. Cả sự nghiệp nghệ thuật, ông gắn với vai diễn Bác Hồ và được công chúng ghi nhận.
NSƯT Tiến Hợi: Người nghệ sĩ dành dọn duyên phận cho vai Bác Hồ
NSƯT Tiến Hợi đã có hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh hay phim truyền hình và hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm.
NSƯT Tiến Hợi cho biết lần đầu tiên được vinh dự thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là năm 1987 trong vở kịch Đêm trắng của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 (tác giả Lưu Quang Hà; đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang).
NSƯT Tiến Hợi tâm sự bằng tấm lòng yêu quý Bác Hồ - vị cha già của dân tộc Việt Nam, trong mọi tác phẩm ông thể hiện (sân khấu, điện ảnh, truyền hình và phát thanh) ông đều cố gắng nuôi dưỡng cảm xúc nguyên vẹn với mỗi lần hóa thân hình tượng Bác.
35 năm kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ kính yêu của dân tộc, đến nay NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.
Ngoài vai diễn Bác Hồ đã quá nổi tiếng. NSƯT Tiến Hợi còn là nghệ sĩ nổi bật ở Nhà hát Kịch Hà Nội với các vở: Xin lĩnh án tử hình, Vùng lạnh, Chùm hài Oái oăm Đời!, Sám hối, Vòng đời, Vị thánh trong mơ, Những người con Hà Nội...
Ngoài ra, ông còn xuất hiện trên các tác phẩm truyền hình như: Hà Nội - mùa đông 46, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hoa ban trắng, Hoa ban đỏ, Dãy bàn 4 người, Cảnh sát hình sự, Người phán xử, Bi kịch chưa đặt tên...
Nhờ những cống hiến đó nên NSƯT Tiến Hợi giành được các giải thưởng: Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 vở "Xin lĩnh án tử hình" vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huy Bạc vở "Vùng lạnh" Liên hoan Sân khấu Toàn quốc năm 2018 vai ông Sinh.
NSƯT Tiến Hợi: Duyên phận kỳ lạ với vợ quê Bác
NSƯT Tiến Hợi có một duyên phận đặc biệt trong hôn nhân. Được biết, sau khi đóng vai Bác Hồ trong vở "Đêm trắng", ông bén duyên với người đảm nhận hóa trang cho vai diễn của ông. Cơ duyên đến từ việc nghệ sĩ hóa trang Nhữ Đình Nguyên là người ở hãng phim truyện Việt Nam, ông không thể theo đoàn kịch mãi được, nên đã cử một cô học trò đảm nhiệm việc này đi theo đoàn. Ban đầu NSƯT Tiến Hợi và cô nữ hóa trang quê Nam Đàn xưng hô chú cháu, rồi chuyển thành anh em tự lúc nào...
Sau đó, NSƯT Tiến Hợi chuyển về công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội, vợ ông - Vương Đạm Thủy cũng cùng đi theo. Cuộc sống khó khăn, bà chấp nhận thôi làm nghề diễn viên để ở nhà mở cửa hàng may có thêm thu nhập cho chồng yên tâm công tác. NSƯT Tiến Hợi bao giờ cũng là gương mặt đạo diễn lựa chọn đầu tiên khi giao đóng vai Bác Hồ. Và bao giờ người hóa trang cho NSƯT Tiến Hợi không ai khác chính là vợ ông.
Nhờ vai Bác Hồ, NSƯT Tiến Hợi còn có duyên phận về con cái. Theo đó, ông có 2 người con trai. Năm 1989 khi đang đóng phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" thì vợ mang bầu cậu con trai đầu. Năm 1990 là năm kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, cũng vào năm này vợ sinh con đầu lòng, nên ông đặt tên con là Nguyễn Vương Thành. NSƯT Tiến Hợi bảo ông đóng vai Nguyễn Tất Thành. Ông họ Nguyễn. Vợ họ Vương. Lấy hai họ của vợ và chồng ghép vào làm tên đệm cho con.
Một dấu mốc đáng nhớ thứ hai là năm 1996, NSƯT Tiến Hợi tham gia phim "Hà Nội mùa đông năm 1946" - Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh. Quay xong bộ phim thì vợ lại mang bầu, đến năm 1997 vợ sinh cậu con trai thứ hai, ông đặt tên là Nguyễn Vương Nam. NSƯT Tiến Hợi kể: Hai cậu con trai gắn liền với 2 bộ phim truyện nhựa mà ông thể hiện. Đấy là mốc lịch sử của gia đình. Ngót nghét gần 30 năm nay, ngoài việc đóng vai Bác trong phim truyền hình, điện ảnh, sân khấu ông còn tham gia nhiều các chương trình sự kiện, lễ hội tại các tỉnh, thành phố và gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp diễn viên với một vai diễn gần như chuyên biệt ấy.
Cuộc sống của NSƯT Tiến Hợi cứ thế bình yên theo năm tháng. Bất ngờ ngày 10/2/2022, NSƯT Tiến Hợi qua đời ở tuổi 63 đã để lại niềm thương xót cho gia đình, đồng nghiệp lẫn khán giả bao thế hệ.
Đỗ Quyên (th)