NSND Thu Hà, NSƯT Tất Bình tiễn biệt đạo diễn "Biệt động Sài Gòn"
Sáng 27/12, đông đảo bạn bè và đồng nghiệp đã đến Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) để tiễn đưa đạo diễn Long Vân - cha đẻ bộ phim "Biệt động Sài Gòn" về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ông qua đời sáng 24/12 ở tuổi 87 sau một thời gian bị bệnh nặng. Những năm cuối đời ông di chuyển khó khăn, chủ yếu dùng xe lăn. Vài tháng gần đây, đạo diễn Long Vân chỉ nằm một chỗ, sức khỏe sa sút trông thấy.
Trong thời gian sống tại khu học xá, ông từng được xem và bị cuốn hút bởi một số bộ phim của Trung Quốc và Liên Xô.
Ông trải qua thời gian dài làm trợ lý đạo diễn rồi phó đạo diễn. Năm 1979, bộ phim Tiếng gọi phía trước của ông đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế. Năm 1980, ông làm phim Nơi gặp gỡ của tình yêu và sau đó là Cho cả ngày mai.
Tuy nhiên phải đến Biệt động Sài Gòn - bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam - được công chiếu năm 1985 thì cái tên Long Vân mới được mọi người biết đến.
Phim đưa dàn diễn viên như: Thương Tín (vai Sáu Tâm), Thanh Loan (vai ni cô Huyền Trang), Bùi Quang Thái (Tư Chung), Hà Xuyên (Ngọc Mai), Hai Nhất (Ba Cẩn) lên đỉnh cao, trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả.
Sau Biệt động Sài Gòn , đạo diễn Long Vân còn làm thêm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Những đứa con biệt động Sài Gòn … Ông từng tâm sự, mình có tình yêu đặc biệt với thành phố này.
Theo ông Tất Bình, đạo diễn Long Vân làm nhiều phim với nhiều "lần đầu tiên", như phim Biệt động Sài Gòn là phim điện ảnh dài tập đầu tiên, là phim màu đầu tiên của Việt Nam. Ông Long Vân cũng là người đầu tiên đưa hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào phim ảnh.
"Anh Long Vân là người chịu nhiều thiệt thòi, nhưng không bao giờ anh ấy để ý về chuyện đó. Anh là thế hệ đạo diễn gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam, anh ra đi là sự tiếc thương vô hạn với chúng tôi", NSƯT Tất Bình nói.
NSND Thu Hà chia sẻ, đạo diễn Long Vân là người chọn diễn viên rất kỹ. Khi vào vai út Vân của Hẹn gặp lại Sài Gòn , chị mới 20 tuổi. Để chọn được vai đó, đạo diễn Long Vân đã mất 2 năm đi tìm diễn viên từ Bắc vào Nam.
"Tôi cũng là người đợi vai diễn này khá lâu, từ khi chú ra đoàn nghệ thuật Quân khu 2 chọn diễn viên. Chú cũng cân nhắc vì tôi là cô gái miền Bắc lại đóng phim miền Nam. May mắn là 2 năm sau, chú lại quay lại chọn tôi. Hồi đó, chú Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ trong phim", NSND Thu Hà tâm sự.
Chị cho biết thêm, những bộ phim mà đạo diễn Long Vân làm đều mang ý nghĩa lịch sử, cách mạng, gây ấn tượng với khán giả. Ở phim trường, ông cũng "mắng" diễn viên "đanh thép", nhưng ngoài cuộc sống, ông là người tình cảm. Ông có người vợ hiểu về nghề nghiệp nên bà đi theo ông mọi nơi.
" Biệt động Sài Gòn mà chú Long Vân làm có ý nghĩa về nghệ thuật, lịch sử. Đây là bộ phim nhiều khán giả nhớ mãi. Đạo diễn Long Vân là người làm việc nhiều với bố tôi - NSND Hải Ninh. Hồi đi thực tập, tôi có theo bố đến đoàn phim Biệt động Sài Gòn. Phim có đại cảnh có cả xe tăng, trực thăng… việc bấm máy rất khó nhưng chú cùng ê-kíp vẫn làm rất tốt", NSND Thanh Vân kể lại.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng có mặt để đưa tiễn đạo diễn Long Vân. Chồng bà là Lê Phương - Tác giả kịch bản của phim Biệt động Sài Gòn nên bà có nhiều kỷ niệm với nam đạo diễn.
"Trong các cuộc cà phê, trà dư tửu hậu với bạn bè, chỉ có một nội dung làm anh ấy sôi nổi được, đó là chuyện làm phim. Không phải là về những phim đã làm mà về dự định mới, dự án mới.
Đời sống của anh Long Vân rất đơn giản. Toàn bộ tâm trí tình cảm chỉ hướng đến 1 thứ là phim thôi. Nhiều người thấy tiếc khi anh ấy chưa từng có giải thưởng nào. Nhưng anh ấy thường gạt đi khi có người nhắc đến chuyện ấy. Anh ấy nói: Chỉ nghĩ đến cái chưa làm được, cái gì làm xong rồi thì cho nó qua đi", bà Nhã chia sẻ.
Sau đó đến phim Chiến hạm nổ tung nói về anh hùng Nguyễn Thị Lợi, hai anh em "nếm mật nằm gai", nhiều lần ôm nhau khóc. Chúng tôi từng đưa kịch Những đứa con biệt động Sài Gòn đi nhiều nơi nhưng không ai nhận, mãi sau phim mới được nhận và nổi tiếng, nhiều người biết đến".
Theo NSND Đức Thuận, đạo diễn Long Vân là một người tài giỏi, ông làm nhiều tác phẩm hay nhưng ông không có một danh hiệu nào.
"Đạo diễn Long Vân đã sống một cuộc đời sôi nổi, ý nghĩa và vừa nhẹ bước đi, để lại một nụ cười hiền và ấm áp như chính con người ông. Ông mất đi là một tổn thất to lớn không gì bù đắp được đối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Ngành điện ảnh Việt Nam đã mất đi một đạo diễn tài hoa, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh cách mạng Việt Nam", NSƯT Tất Bình đọc điếu văn trong tang lễ đạo diễn Long Vân.