A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Không sợ hãi" - Những thước phim tài liệu đầy cảm xúc về quá trình chống Covid-19 của Việt Nam

Bộ phim tài liệu "Không Sợ Hãi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã mang đến cái nhìn đầy cảm xúc về những ngày tháng cam go nhất lại ở ngay những khu cách ly nơi các y bác sĩ phải giành giật từng mạng sống từ tay tử thần.

"Không Sợ Hãi" tái hiện ký ức về dịch bệnh qua lời kể của người trong cuộc. Đạo diễn không can thiệp bằng lời bình, cho nhân vật tự thuật câu chuyện của họ. Đối diện máy quay, những nhân chứng hồi tưởng một giai đoạn nhiều biến động. Có người bình thản bởi đã vượt qua mất mát, nhưng cũng có người khóc nghẹn khi nỗi đau vẫn còn đó.

"Không Sợ Hãi" được chia làm 5 tập với mỗi tập phim nói về một giai đoạn hay "mặt trận" khác nhau của cuộc chiến chống dịch. 

"Không sợ hãi" - Những thước phim tài liệu đầy cảm xúc về quá trình chống Covid-19 của Việt Nam - Ảnh 1.

Tập đầu tiên Không Đứng Nhìn kể về giai đoạn đầu đại dịch khi Việt Nam áp dụng kế hoạch Zero Covid và cách ly tập trung các bệnh nhân. Lúc này, hàng chục nghìn bác sĩ, nhân viên y tế phải lên tuyến đầu chống dịch. 

Tập thứ 2 mang tên Không Chạy Trốn lại là câu chuyện về những nhóm thiện nguyện mang oxy đến bệnh viện, khu cách ly hay khắp các ngõ ngách trong thành phố. 

Tập thứ 3 là Không Cô Đơn lại nói về những gia đình mà toàn bộ các thành viên đều dương tính hay các tình nguyện viên sau khi khỏi bệnh đã quyết định ở lại chăm sóc người khác.

"Không sợ hãi" - Những thước phim tài liệu đầy cảm xúc về quá trình chống Covid-19 của Việt Nam - Ảnh 2.

Ở mỗi tập phim là những thước phim tư liệu cho thấy những khó khăn và đau thương mà đại dịch mang tới, xen kẽ là dòng tin thời sự về tình hình trong nước và khu vực lúc đó cùng lời kể của những người đã góp mặt trong cuộc chiến cam go ấy. Từ đó, khán giả có thể chứng kiến những thứ mà khó ai có thể tưởng tượng được. Vì thiếu nguồn nhân lực, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mười vừa tốt nghiệp đại học đã được điều động đến các khu cách ly. Mỗi người phải căng não quản lý hàng trăm bệnh nhân. Nhưng thứ khiến họ đau lòng hơn chính là lần lượt nhìn những người bệnh chỉ mới hai ba hôm trước còn vui vẻ thì nay đã lìa trần.

Chưa dừng lại ở đó, việc hằng ngày tiếp xúc với người bệnh khiến những người trẻ nhiệt huyết ấy có thể bị lây nhiễm và đối mặt sinh tử bất cứ lúc nào. Nhiều bác sĩ đã phải rơi nước mắt hay nằm bất lực vì mệt mỏi và chẳng thể chiến thắng được thần chết. Chúng ta còn được thấy hình ảnh những tình nguyện viên bỏ ăn, bỏ ngủ, liều tính mạng để mang bình oxy đến với khắp mọi nơi chỉ với một cuộc gọi. Những tiếng kêu cứu lúc nửa đêm và sự ân hận chỉ vì chậm một vài phút là thứ mà có lẽ cả đời họ chẳng thể nào quên.

"Không sợ hãi" - Những thước phim tài liệu đầy cảm xúc về quá trình chống Covid-19 của Việt Nam - Ảnh 3.

Thế nhưng, "Không Sợ Hãi" không chỉ có bi thương mà còn là niềm tin và sự hy vọng. Dù cách ly kéo dài, đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng những xóm lao động nghèo vẫn đùm bọc lấy nhau để vượt qua khó khăn, người có nhiều giúp đỡ thiếu thốn. Những chiến sĩ đến phân phát thức ăn cho từng nhà, mỗi khu phố đều trở thành một chiến lũy. Các bác sĩ len lỏi qua các rào chắn cách ly để tìm đến nhà từng người bệnh để không một ai bị bỏ lại giữa đại dịch. Để rồi chúng ta thấy rằng cuộc sống dẫu có mong manh như thế nhưng vẫn có tình người rộng lớn đến thế.

Vào thời điểm 5 tập phim ra mắt, đất nước đã trở lại cuộc sống trước kia, bước vào bình thường mới. Trước câu hỏi liệu có lo những tập phim sẽ khơi lại cảm giác nặng nề cho những người từng trải qua những giờ khắc tăm tối nhất không, vị đạo diễn cho rằng: "Đau thương nào cũng cần được nhắc đến và đây là khoảng thời gian có một không hai trong lòng mỗi người, mang những giá trị riêng. Tôi hiểu dù muốn hay không muốn, người ta vẫn coi đây là một sự kiện rất lớn trong cuộc đời. Ngay cả khi không làm gì, chịu giãn cách suốt 3 tháng, chắc chắn người dân đã hiểu ra rất nhiều điều trong cuộc sống. Thêm nữa, tôi muốn có một sự chân thực, khách quan nhất trong cách mình kể lại các câu chuyện bởi có những việc khi được đưa lên mạng xã hội đã bị nói quá. Nguyên nhân là do họ thiếu đi sự điềm tĩnh".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...